3- THƯ GỬI NGƯỜI ANH BÊN KIA

08 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 13268)
3- THƯ GỬI NGƯỜI ANH BÊN KIA

Long Beach, California  8-1998

Anh Khịt thân mến,

Hôm nay, mặc dù trời Cali lạnh, nhiều sương mù và mặc dù rất bận rộn vào những ngày lễ Giáng Sinh, em vẫn cố gắng khắc phục, tranh thủ thời giờ để viết thơ cho anh. Em mong rằng lá thư của người em ở hải ngoại sẽ làm ấm lòng anh vào dịp Xuân về.

Anh Khịt thân,
Có lẽ anh ngạc nhiên, sao em không gọi anh là Nguyễn Phi Hùng, với bí danh Hai Lâm mà lại gọi anh là Khịt, tên cúng cơm của anh. Em xin phép gọi anh như thế cho thân mật.

Lá thư nào gửi cho em anh cũng trách sao em vội vã ra đi, vì dù sao đi nữa thì cũng còn có anh. Thưa anh, em thì ngu dốt, chả biết chính chị chính anh gì cả, nhưng em thường bị mẹ gọi là "bún thiu", nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mù sương...nên, thú thiệt với anh, nếu ở lại mà chồng em đi học tập thì em đi cầy đi cấy hay đào kinh xây cầu để nuôi con không nổi. Vả lại, em trót mang nợ với ngòi bút, nên nơi nào không được viết, hay viết không được, hoặc bị phải viết, thì em không ở được. Mà nếu như em không được viết, thì dù cho em có cố gắng nâng cao chất lượng các bữa ăn bằng hột cao lương hay mì đi nữa, em cũng chết dần anh ạ.

Không phải là em xem nhẹ thành tích vẻ vang của anh đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng và xây dựng đất nước, nhưng sao em thấy có nhiều người bà con bên ngoại em, có anh em làm lớn trong chính phủ cách mạng, mà họ vẫn được chính phủ “khoan hồng” cho đi học tập tập cải tạo tận ngoài Bắc, ba năm nay vẫn chưa về anh ạ.

Thưa anh, kỳ này cả nhà thật vui khi nhận được thư và hình của anh. Các em vui vẻ cười vang khi được nhìn thấy người anh thân yêu mà cả ba năm nay chỉ biết tuồng chữ, chứ chưa biết mặt. Các em thích nhất là bức ảnh anh chụp ở bùng binh chợ Sàigòn. Em phục ông phó nhòm ghê. Ông ấy lấy rõ từ cây bút máy anh gắn trên miệng túi; cái đồng hồ hai cửa sổ của mẹ em gửi cho anh, nhờ anh kéo cao tay áo một tí, và cả cái đài anh mang trên vai nữa... đủ hết. Chúng em chỉ tiếc một điều, là trời hơi tối, với lại cái nón tai bèo và cái kính dâm che bớt phân nửa khuôn mặt thông minh của anh. Còn bức ảnh anh mặc áo măng-tô đứng trước nhà thờ Đức Bà, trông cứ như chụp ở Ba Lê, anh nhỉ! Hình này, nhờ anh vén áo, cho tay vào túi quần, nên thấy cái cái kính mát máng vào túi áo rất rõ. Chỉ tiếc là trời nắng gắt quá, anh nheo mắt, nên ảnh bớt đi phần nào mỹ thuật.

À, em sẽ gởi cho anh một số pin để anh sử dụng cái đài, chứ xách không nó phí đi anh ạ!

Anh Khịt thân,
Em trộm nghĩ, với cách phục sức theo lối văn minh hiện đại của anh, thì mỗi lần anh về ngoài ta, chắc các cô mê tít thò lò, anh nhỉ!

Anh Khịt mến,
Em rất mừng khi hay tin anh thi đỗ tốt nghiệp lớp 12 với hạng ưu và được lãnh giấy ban khen của Bộ Giáo Dục, anh cũng đang chuẩn bị để thi vào Đại Học Kinh Tế. Chúng em vô cùng phấn khởi trước sự thành công của anh. Em xin cảm ơn về sự thăm hỏi, lo lắng của anh. Gia đình em sinh hoạt vẫn bình thường. Ba em hàng ngày vẫn thích thú với động tác thể dục buổi sáng, còn mẹ em thì vẫn lao động, chăm sóc mảnh vườn nhỏ sau nhà. Riêng chúng em, ngoài công việc hàng ngày, cả thẩy đều hào hứng với việc "sách đèn". Như trong thư trước đã hứa với anh, em cố gắng học tập tốt để xứng đáng là em gái của anh và để theo kịp trào lưu cách mạng. Em đã khắc phục để có được băng nhạc Việt Nam Thống Nhất và một số báo Sàigòn Giải Phóng do vài người bạn có tư tưởng tiến bộ cho mượn. Em đã nhiều lần nghe đi nghe lại băng nhạc, và đọc đi đọc lại các tờ báo. Phải thú thật với anh rằng tinh thần giác ngộ của em còn quá thiếu sót. Em của anh thật đáng trách, vì trình độ tiếp thu kém cỏi. Những bài hát hào hùng, ca ngợi quê hương, tổ quốc mến yêu, mà em nghe không hiểu nổi, mặc dù em đã cố gắng tập trung tư tưởng và điều chỉnh lại hai lỗ tai cho tỏ, kè sát chúng vào máy hát. Thật em không ngờ người hát của cách mạng lại đạt đến trình độ nghệ thuật cao như vậy. Tiếng ca cao như rít, thật nhanh, nhiều tiếng không bỏ dấu cho dễ hát. Xin anh đừng cười em nhé, có bài em tưởng là hát bằng tiếng Liên Xô anh ạ. Có đến 16 bản nhạc mà em chỉ nghe được có vài bản hà. À, bản hợp ca Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh có mấy câu làm em hình dung thấy Sàigòn bây giờ vui ghê:

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay
Mùa Xuân về rợp bóng cờ bay
Nước thêm trong dòng sông Bến Nghé
Chợ thêm đông chợ vui Bến Thành...

Còn hai bản khác em nghe được là bản Tự Nguyện và Hà Nội Niềm Tin và Hy Vọng. Hai bản này không có giá trị mấy vì không ca ngợi sự nghiệp cách mạng phải không anh? Đúng như cô bạn em nói, em nhận được tiếng hát Lệ Thu và Hồng Vân anh ạ. Tiếng hát Lệ Thu nức nở qua bản Tự Nguyện đã làm em xúc động rất nhiều. Cô hát:

Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây tôi sẽ là một vùng mây ấm
Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương
Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm
Là mây theo làn gió tôi bay khắp trời
Là người xin một lần khi nằm xuống
Cùng anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ.
Anh Khịt ơi, em nghĩ, chắc bài hát này được nhiều người bên nhà mình thích lắm và chắc ai cũng thích được làm mây, làm chim để đến được những nơi nào mình muốn đến, phải không anh?

Anh Khịt thân, cầm những tờ báo xuất bản từ quê nhà, em thấy bồi hồi xúc động. Em liên tưởng đến khoảng thời gian gia đình em sống ở Nam Vang, vì tôn giáo em bị đàn áp. Ba em xuýt chết ở Sài Gòn vì bị liệng lựu đạn vào xe. May là Trời thương nên nó không nổ. Gia đình em bèn phải bồng bế nhau lên đất Cao Miên để tha phương cầu thực.

Thuở ấy, mỗi lần ba em mượn được tờ báo Tiếng Chuông hay Lẽ Sống là cả nhà mừng rỡ, giành nhau đọc. Lúc đó em còn nhỏ nên thích xem hình vẽ Bé Ngôn Bé Luận hoặc Chú Tám Xạc Ne. Em cũng thích xem quảng cáo các loại phim Thoại Khanh Châu Tuấn, hay Lâm Sanh Xuân Nương, hoặc phim Nửa Đời Hương Phấn do cô Kim Cương thủ vai chính. Em cũng thích xem quảng cáo đại nhạc hội có thần đồng Quốc Thắng và em bé Phương Lan, hay cặp song ca Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết; còn Tùng Lâm Xuân Phát thì hay giả Ấn Độ, hát bản cà-ri dê trong tuồng Tình Tiên Duyên Tục. Em thích nhất là kịch Trà Hoa Nữ do Kim Cương, Vân Hùng sắm vai chính. Lúc đó, ở Nam Vang cũng có hai tờ báo Việt ngữ. Tờ Trung Lập ca ngợi chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ Diệm, còn tờ Hữu Nghị thì ngược lại, chống cả hai bên. Tờ Hữu Nghị do ba em chủ xướng. Đó là một trong những thành tích đi ngược lại trào lưu cách mạng, khiến gia đình em ngày nay phải tha hương một lần thứ hai sang tân xứ Hoa Kỳ này.

Tờ báo Sàigòn Giải Phóng thật là lành mạnh, giản dị và nhẹ, với bốn trang giấy, khác xa những tờ báo thời Ngụy, anh nhỉ. Dưới chế độ cách mạng, không có tai nạn lưu thông, không đánh lộn, không thưa gởi, không đâm chém gì nhau hết, mà chỉ có gian thương, mặc dù trong mục Diễn Đàn Người Sàigòn có đăng bức thư của một vị ở quận 10, than phiền rằng những người sử dụng xe hai bánh chạy "lung tung", chạy "tự nhiên" đến đỗi nhận kèn họ vẫn "tỉnh bơ".
 
Về tình hình quê nhà thì ngoài những bức hình cho thấy cử tọa đang vỗ tay hoặc thanh niên nam nữ đang toe toét cười là những hình ảnh phụ nữ đang đẩy máy cày, đang ngồi may trong xưởng, đang vớt bèo, đang trồng hột cao lương hay nuôi gà. Một bức ảnh phản ảnh trung thực nhất, là hình 700 phụ nữ đang làm thủy lợi Nhà Bè. Em có được đọc bài về Kiện Tướng Đảm Đang, chị Quý mới ở nhà thương ra mà phải đi công tác thủy lợi, lo cơm nước cho mọi người. Chị phải nấu năm nồi cơm, năm nồi canh thật lớn, không có nắp, mà lại phải chụm lửa bằng cỏ khô, gốc rạ. Em cũng có đọc bài ca ngợi Kiện Tướng chạy gạo; chị Tuyết Anh vác bao đất 50 kí chạy lên chạy xuống bờ kinh dốc cao ba mét, chạy hoài không biết nghỉ. Ôi, người phụ nữ Việt Nam ngày nay!

Mục Hoa Bốn Mùa lại còn nêu lên những tấm gương sáng cho phụ nữ. Hai chị em Thanh Tâm và Thanh Loan lần lượt gia nhập bộ đội. Cô Thanh Loan tâm sự với bạn bè là mẹ già của cô sẽ có bà con chòm xóm thăm lo, chăm sóc, nên cô yên tâm chuẩn bị lên đường. Một tấm gương sáng khác, là Má Mai Ba Giỏi tuổi đã già, cả ba con đều đi bộ đội nên phải làm việc quần quật rồi lại đưa hết tiền dành dụm cho hợp tác xã. Ôi, những bà mẹ Việt Nam đã hưởng được gì suốt cả cuộc đời hở anh? Còn cô giáo Ngụy Như Sương với ước mơ lớn lên sẽ được làm cô giáo dạy chữ Bác Hồ. Dưới thời Ngụy, cô chỉ dạy một lớp, sau cách mạng, cô dạy tới năm lớp cho tới nay, vừa dạy vừa lo ăn trưa cho 150 em, tối lại đến trường soạn giáo án, làm giáo cụ và đồ chơi. Vậy mà kết quả cuối năm có 80% cháu ngoan và 100% cháu sạch. Như Sương được bầu là chiến sĩ thi đua của toàn ngành.

À, em có đọc tin học sinh cấp một, cấp 2 Lê Lợi họp tại vườn Tao Đàn để tổng kết đợt sinh hoạt chủ đề "Tổ Quốc em biết mấy tự hào". Trong phong trào "kế hoạch nhỏ" các em đã thu nhặt gần một tấn rưỡi giấy vụn, 21 em đạt danh hiệu dũng sĩ, và 80 em khác là chiến sĩ kế hoạch nhỏ. Các em hứa hẹn sẽ thi đua học tập giỏi hơn trong sinh hoạt mới "Bay tới tầm cao đất nước". Ôi, các thiếu nhi Việt Nam ngày nay, hàng ngày đi lượm rác khắp các nẻo đường! "Tầm cao đất nước" là thế đó sao? Rồi đây, trong sinh hoạt mới, các em sẽ đi lượm những gì?

Bác sĩ Đỗ Ngọc Thuần còn viết một bài khuyên, ở nhà các em nên có một góc học tập tốt; khi học nên quay mặt vào vách; chỗ học phải được trang trí cho "đẹp mắt" để động viên việc Học tập, với ảnh Bác Hồ và năm lời khuyên của Bác (?)

Anh Khịt thân,
Về phong trào thể dục thể thao trong thành phố, nhà báo Trung Ngôn trong mục Sàigòn Muôn Mặt cho biết, đã đánh dấu bằng những điểm son đáng kể. Ông nhà báo nói, dưới thời Ngụy, bệnh lao, bệnh giang mai, bệnh lậu v.v... đã đục khoét và gậm mòn số dân trong thành phố. Ông cho biết, sau ngày giải phóng, một bác sĩ đã nói là sức khỏe của thanh niên đang ở trong tình trạng "báo động". Nhưng giờ đây, khi được hỏi chuyện về phong trào thể dục thể thao thì "mặt ông đỏ bừng lên, như thần rượu Bắt-quýt được hít hơi men" (?), ông không còn bi quan nữa vì sức khỏe dân chúng đã "nhích lên" sau hơn ba năm cố gắng của ngành y tế. Ông lại còn mừng là phong trào thể dục buổi sáng không những chỉ có các thanh thiếu niên tham gia mà "lai rai" ở nhiều nơi có cả những ông "sồn sồn hè hụi" tập đủ giờ đủ giấc.

Có một điều lạ, là mục "Từ sân ra bãi" nơi trang ba đã ca ngợi về một sáng kiến độc đáo của anh Hai Trinh, trong ban quản lý hồ hởi của hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sáng kiến đáng hoan nghênh của anh là, anh đã gửi thư lên Sở Y Tế xin cách chế ra một thứ thuốc nhỏ mắt để các vận động viên và đồng bào tắm xong có thể tự động làm vệ sinh cho đôi mắt sau khi lặn hụp dưới nước, vì dù có sát trùng, cũng không đảm bảo là hoàn toàn... vô trùng.

Sức khỏe chung của thanh niên ta sau thời Ngụy đã tiến bộ, vậy không hiểu họ đã mắc phải thứ vi trùng gì mà ghê gớm vậy anh?
Trong bài nói chuyện về Thể Thao với tựa đề "Nếu các chị không tập thể thao" của bác sĩ Thuần, có một đoạn làm em lo quá anh ạ. Ông ấy bảo "Những bắp thịt nào bị kết án không được hoạt động sẽ bị suy yếu, mềm nhũn đi, bị teo dần và sẽ thoái hóa."

Anh Khịt thân,
Em được biết ngành sân khấu thành phố rất được chính phủ cách mạng "cưng" qua bài của nghệ sĩ Kim Cương. Theo Kim Cương nhận xét, so với trước ngày giải phóng, ngành này đã có những bước tiến nhảy vọt; từ một rạp trước kia, nay có trên 20 rạp, sân khấu bây giờ làm việc nghiêm túc, có chỉ đạo và người nghệ sĩ dưới chế độ ta đã có những sự chiếu cố đặc biệt, thậm chí có cả những sự ưu đãi. Em lấy làm lạ, sao cô ta ca ngợi cách mạng như vậy mà bọn phản động không chiếu cố, lại đi giết cô đào Thanh Nga, một cô đào tài sắc vẹn toàn, hay đóng tuồng dã sử làm người Việt mình bên này thương tiếc vô cùng. Có chắc thủ phạm vụ giết Thanh Nga là bọn phản động không, hay là ai khác, hả anh?

Về phần màn ảnh, em thấy quảng cáo khoảng 20 phim, thì hết 19 phim của các nước xã hội anh em. Có hai phim em ao ước được xem, là phim Nỗi Lòng Người Thợ Cả và phim Di Chúc Người Thợ Cả do đàn anh Liên Xô sản xuất. Chắc hẳn nội dung hai phim này phải "phong phú" lắm. Có nhiều phim khác với tựa đề là lạ, hay hay, như "Chuyện Không Có Gì Mà Ầm Ĩ", "Mặt Trời Trắng Trên Sa Mạc" hoặc "Người Chết Còn Trẻ Mãi" của Cộng Hòa Dân Chủ Đức, chiếu tại rạp Thăng Long, tức Capitol cũ.

Em quên nói với anh là em có đọc bài phê bình kịch bản Đôi Mắt của tác giả Vũ Dũng Minh do đoàn kịch nói Bông Hồng trình diễn. Nhà phê bình Thế Ngữ cho rằng đây là một lần thành công nhất của đoàn kịch này. Tuy nhiên, trong tỷ lệ người đi xem thì thành phần lao động, những người làm chủ cuộc sống mới hôm nay như công nhân, nông dân, trí thức, chưa nhiều; thậm chí còn rất thấp, mặc dù số người đi xem rất đông. Thế Ngữ cho rằng trên sân khấu chỉ thấy màu xanh của những bộ quân phục, tình huống kịch chỉ xoay quanh những chuyện đấu tranh trong quan hệ công tác và cách cư xử của người chiến sĩ ngay tại mặt trận. Nguyễn Chánh Tín sắm vai một bác sĩ quân y, Thẩm Thúy Hằng cũng là một bác sĩ quân y mới ra trường, Bích Thủy là một y tá quân y, và Bạch Lan Thanh trong vai cô gái Vân Kiều. Người phê bình cho rằng cảm giác chung của người xem là "thấy bộ đội trên sân khấu rất dễ thương". Bộ ở ngoài đời họ "dễ ghét" lắm sao anh?

Em xin anh hãy vì chút tình dòng họ giữa anh em mình mà nghe em một lần. Xin anh hãy dừng lại, vì những bà con trong Nam giờ đây, họ chỉ còn những bộ quần áo cuối cùng để che thân đang phải bán dần để nuôi miệng. Xin anh đừng đến đòi hỏi, hạch sách họ nữa. Em cũng đập đầu van anh đừng vì lá thư này mà trả thù sự thố lộ của họ, vì họ khổ quá, họ sợ thái độ hăm dọa của anh trong thời gian gần đây quá, và cũng vì họ không còn gì để đưa cho anh nữa hết. Có một vài người vì quá tin anh nên đã thố lộ ý định ra đi của họ. Anh Khịt ơi! Nếu một ngày nào đó, nghe anh trả thù hoặc hãm hại họ hàng, em chắc cả gia đình em chỉ biết đấm ngực, đập đầu, rồi khóc và ân hận chứ không biết làm sao hơn.

Anh Khịt mến thương,
Trong lá thư chót gởi cho em, anh có than là, tuy anh đang chuẩn bị vào đại học, nhưng vẫn ở tư thế chờ quyết định điều động công tác của cấp trên. Anh chưa chắc là sẽ ra công tác, tiếp tục học, hay trở về quân dịch. Anh có nói là anh muốn đi thăm em. Có thật vậy không anh?

Gia đình em sẵn sàng quên quá khứ và mở rộng tay đón tiếp anh. Theo em nghĩ, nhờ có công với cách mạng, việc đi lại của anh sẽ được dễ dàng. Sau mấy năm anh vào công tác trong Nam, chắc gia đình anh ngoài ấy giờ đây cũng đã đầy đủ lắm rồi, anh không phải bận tâm lo nghĩ nữa. Anh hãy bắt đầu lo cho tương lai của anh đi. Anh sẽ trở về quân dịch hay lựa chọn một cuộc đời tươi đẹp hơn? Dù anh có đến góc biển chân trời nào, thì anh cứ nhớ, em và anh có cùng họ. Như vậy, chúng ta sẽ được đoàn tụ dễ dàng và nhanh chóng. Em nói ít, xin anh hiểu nhiều.

Em chúc anh thành công và mong rằng ngày gặp anh sẽ rất gần.

Em của anh,
Bé Ngụy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41856)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42803)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48928)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42522)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36563)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41518)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41217)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43136)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39563)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45154)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40130)
1,863,880