- 1. 1970: Viết Trước Một Ngày, Đọc Sau Một Ngày Bầu Cử Bán Phần Thượng Viện
- 2. Đi Xem Nghị Sĩ Thề
- 3. 1001 Chuyện Ly Kỳ, Quái Đản Trong Cuộc Chạy Đua Vô Hạ Viện
- 4. 1001 Mốt Hứa Ly Kỳ, Rùn Rợn Của Các Tay đua Tranh Vô Hạ Viện
- 5. Rạch Giá thành phố cổ đang chuyển mình
- 6. Rạch Giá trên đường phát triển Kỹ nghệ Ngư nghiệp
- 7. Tâm sự Xì Thẩu
- 8. Khi Xì Thẩu Đoàn Tụ
Ký sự của Nguyễn Huỳnh Mai
Nhật Báo Chính Luận: 3-11-1972
Kiên Giang là một tỉnh nằm cực Tây của miền Nam Việt Nam, Tây Bắc giáp ranh giới tỉnh Kampot của Kampuchea và tỉnh Châu Đốc, Đông Bắc giáp quận Thốt Nốt tỉnh An Giang, Đông giáp Phong Vinh và Chương Thiện, Nam là rừng U Minh Thượng giáp ranh giới tỉnh Cà Mau. Với 370 cây số bờ biển, 10 hải đảo có ngư sản, 5 quận, 17 xã, và 49 ấp thuộc hải ngư nghiệp, Kiên Giang hiện là một trong những vùng có hải sản xuất cảng sang Tân Gia Ba, Thái Lan, và Nhật Bản, và trong tương lai sẽ xuất cảng sang Mỹ và Tây Âu.
Rạch Giá, thành phố "quốc tế"
Theo ông Lê Văn Toàn, trưởng ty Kinh tế thị xã Rạch Giá, thì từ 13-8-71 đến nay tại đây có 39 lần xuất cảng với 403.421,24 ký lô hải sản trị giá 481.635,62 Mỹ kim, tương đương với 264.899.250 đồng Việt Nam (theo hối xuất 550 đồng 1 Mỹ kim). Kiên Giang hiện có ba ngư cảng (Rạch Giá, Rạch Sỏi, Dương Đông) và 11 cầu cá (Hòn Chông, Tri Tôn, Mỹ Đức...) mà ngư cảng Rạch Giá được xem như quan trọng vào bậc nhất vì mỗi ngày có từ 100 đến 200 ngư thuyền về cập bến chuyển hải sản lên 14 vựa, và hợp tác xã cá biển. Tại ngư cảng này, sản ngạch tôm cá mỗi ngày có từ 60 tấn đến 100 tấn đủ loại để tiêu thụ tại thị trường quốc nội, biến chế làm khô, mắm, bột thức ăn gia súc, nước mắm, v.v... xuất tỉnh tiếp tế cá tươi về đô thành và các tỉnh, xuất cảng tôm cá tươi sang ngoại quốc và cung cấp cho các nhà máy kỹ nghệ đông lạnh.
Nhiều người đã dự đoán trong tương lai Rạch Giá sẽ là "Thành phố Quốc tế" vì chuyên viên ngoại quốc về đây càng ngày càng đông để nghiên cứu hải sản, nhát là tôm và cá thu, hoặc tìm kiếm dầu lửa ở các hòn đảo ngoài khơi.
Kỹ sư Nguyễn Long Ẩn, trưởng ty Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang (gồm cả nông, ngư nghiệp và thú y, chăn nuôi) cho biết số ngư phủ chuyên môn đã gia tăng từ 11.490 người năm 1969 lên 13.938 người chuyên nghiệp và 5000 chuẩn ngư phủ tính đến tháng 9-1972; và từ 1.958 ngư thuyền có động cơ lên đến 2.886 chiếc. Hiện có 16 trại đóng ngư thuyền, 105 xưởng chế biến nước mắm, 16 xưởng sản xuất cá khô, 16 nhà máy chế nước đá, 6 xưởng chế tạo bột cá nuôi gia súc, 1 xưởng chế biến tôm đông lạnh, và 2 xưởng chế biến hải sản.
Theo ông Ẩn, sản lượng hải sản tươi đã gia tăng từ 20,000 tấn năm 1971 lên đến 35,000 tấn năm 1972 nhờ thiết lập, tu bổ những cầu cá và canh tân ngư cụ ngư thuyền. Thật vậy, theo ông trưởng ty Kinh tế Lê văn Toàn, số lượng xuất tỉnh cũng gia tăng, riêng phần cá biển xuất tỉnh trong tháng 9-1971 là 347,826 tấn lên 999,910 tấn vào tháng 9-1972. Nhưng ông tiết lộ con số này không được chính xác lắm, vì ngoài thuất xuất thị các loại cá tôm biển, còn chịu thêm thuế sản xuất nên có những trường hợp trốn thuế đã xảy ra.
Đời sống ngư dân
Tỉnh Kiên Giang hiện có 386,094 dân trong đó khoảng 20,000 người sống vào ngư nghiệp, chiếm khoảng 5% dân số. Đây chỉ là con số ngư phủ đánh cá ngoài khơi, ngoài ra còn khoảng 40,000 ngư dân lục địa. Đời sống ngư dân tại tỉnh này tương đối dễ dãi vì có số lợi tức thu vào hàng tháng trung bình khá cao so với tỉnh khác.
Một ngư phủ có 8 tuổi nghề làm cho hãng Lợi Ký, một hãng tàu đánh cá lớn nhất tại tỉnh lỵ, có lối 20 ngư thuyền, cho biết nếu trúng mỗi chuyến bán được khoảng 1 triệu đồng, sau khi chiết trừ chi phí độ 100.000 đồng, phần còn lại chia theo tỷ lệ sau đây: tài công (người lái tàu) được 15%, 2 tài cảo (người sửa máy) mỗi người được 7%, và 4 ngư phủ mỗi người được 5%.
Cũng theo ông, mỗi chuyến ra khơi mất từ 10 đén 15 hôm, và phải mang theo chừng 400-500 cây nước đá, và dự trữ số thức ăn trị giá trên 15.000 đồng. Về giờ đánh cá thì chiều 17 giờ đánh đến 18 giờ nghỉ, 19 giờ đánh đến khuya, 1 giờ khuya đánh đến 6 giờ sáng, có khi trúng đánh 10 giờ, ban ngày ngủ.
Một bà chủ tàu cho biết giá một chiếc ngư thuyền nhỏ có động cơ còn mới kể cả lưới trị giá khoảng 7 triệu; nếu cũ và không lưới khoảng 5 triệu. Theo bà thì những chủ tàu có ngư thuyền lớn đóng theo kiểu Thái Lan rất giàu vì mỗi chuyến họ kiếm được 4, 5 triệu bạc. Những chủ tàu này luôn luôn mướn 9, 10 nữ công nhân hàng ngày đến vá lưới với số lương 700 đồng mỗi ngày cho một người. Theo sự tiết lộ của một ngư dân lối 16 tuổi, thì mỗi lần ra khơi, ngoài tiền công, cậu có thể kiếm thêm khoảng 7, 8 ngàn đồng bằng cách câu thêm ngoài giờ đánh cá để làm khô bán ngay cho bạn hàng khi tàu vừa cặp bến.
Nạn cướp biển
Mặc dù nhờ sự kiểm soát của Hải quân, số tàu ngoại quốc xâm nhập hải phận miền Nam đã giảm từ 7 tàu năm 71 xuống còn 2 tàu năm 71, nhưng một vụ cướp biển táo bạo gần đây của ngư dân Thái Lan đã làm rúng động giới ngư dân Kiên Giang.
Theo lời một ngư phủ thì cách đây không lâu, một ngư thuyền của ta đã bị một ngư thuyền Thái Lan có võ trang chận lại sau khi cướp hết lưới, họ nhốt hết tất cả các ngư phủ vào hầm tàu, lấy đinh đóng chặt, đục lũng lườn tàu, rồi bỏ đi. Ngư phủ Việt Nam cạy cửa thoát ra thì họ quay lại bắn chết một ông lão 62 tuổi, nhốt ngư phủ lại như cũ, rồi quay tàu về nước. Số ngư phủ còn sống lấy xà beng nạy cửa và thoát chết nhờ phao, rồi sau đó được ngư thuyền Việt Nam vớt.
Ngư phủ tại đây còn gặp nhiều khó khăn trong khi hành nghề, vì ngư thuyền chưa được trang bị đúng mức, thiếu máy vô tuyến hoặc địa bàn. Đôi khi họ phải mua lậu để xài. Khi gặp giông bão ngoài khơi, phải ráng mà chịu vì bị cấm đến một số hòn đảo.
Một khó khăn khác là vì tình trạng an ninh nên có 4 khu vực duyên hải bị phong tỏa và giới nghiêm. Khu vực thứ nhứt giới nghiêm cả ngày lẫn đêm từ bờ ra khơi 5 cây số đoạn biển từ Rạch Thứ Hai đến ranh tỉnh An Xuyên. Khu vực 2, giới nghiêm ngày lẫn đêm từ bờ ra khơi 3 cây số đoạn biển từ rạch Sông Chỉnh đến rạch Sâu. Khu vực giới nghiêm từ 5 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau từ bờ ra khơi 3 cây số đoạn biển từ rạch Sông Chỉnh đến kinh Ba Hòn. Khu vực cuối cùng giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau từ bờ ra khơi 5 cây số đoạn biển từ vàm cửa biển rạch Sỏi đến Rạch Thứ Hai. Nếu vi phạm các vùng cấm ấn định nêu trên, ngư phủ sẽ gặp những biện pháp mạnh của chính quyền địa phương nhằm mục đích ngăn chặn việc xâm nhập bằng đường biển của quân Bắc Việt, như cảnh cáo, phạt tiền, phạt giam ghe, hoặc tịch thu ghe tàu.
Kỹ nghệ biến chế hải sản
Ông trưởng ty Nông nghiệp giải thích hai hình thức đã xuất cảng. Hình thức thứ nhứt là ướp nước đá sản phẩm trong phòng trữ lạnh dưới 16 độ để xuất cảng thẳng qua Thái Lan. Công tác này đã do hợp tác xã Ngư nghiệp Rạch Giá thực hiện trong 31 chuyến với trọng lượng 334.915,94 ký lô tôm thẻ tươi và thu về 316.589,90 Mỹ kim.
Hình thức thứ hai là ướp lạnh tôm theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất cảng sang Nhật, Tân Gia Ba, Hồng Kông, và tương lai sang Mỹ. Nghiệp vụ này đã do Kiên Giang Công ty cùng Đại Cửu Long Công ty thực hiện. Một nhân viên của công ty này cho biết có 100 nam nữ nhân viên chia ra từng nhóm để lặt đầu, rút chỉ, lựa, rửa, cân, vô hộp, v.v... Vừa rồi công ty bán được trên 20 tấn và thâu vào khoảng 40 triệu đồng Việt Nam.
Riêng một hình thức xuất cảng mới vừa được thực hiện là xuất cảng tôm nhỏ đông lạnh. Nghiệp vụ này do hợp tác xã Ngư nghiệp Rạch Giá hợp tác với công ty Pasefoco sể xuất cảng sang thị trường chung Âu châu. Hiện công ty đang thiết lập một hệ thống phòng đông lạnh. Nếu công việc tiến triển tốt đẹp, mỗi năm công ty dự trù sẽ xuất cảng 600 tấn tôm và mang về khoảng 1.500.000 Mỹ kim, đóng góp một phần lớn vào số ngoại tệ sở hữu của Việt Nam Cộng Hòa, tạo công ăn việc làm cho 300 con em xã viên hợp tác xã Ngư nghiệp Rạch Giá.
Một công ty tàu tân lập khác chuyên sản xuất tôm hấp thủy dưới sự điều khiển kỹ thuật của tiến sĩ Nguyễn văn Thành. Đây là một phát minh tương đối mới mẻ, và dự án được nha Ngư nghiệp soạn thảo. Tôm hấp thủy đặt căn bản trên sự cất nước từ con tôm để vẫn giữ được phẩm chất tươi ngọt. Công ty đã được hãng Dainan Kosi thuận mua để du nhập sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra còn có hai công ty chuyên sản xuất bột cá như Hatico và Incomap.
Triển vọng
Trước đà phát triển của ngư nghiệp tỉnh mình, ông Lê Văn Hội, phó Tỉnh trưởng Kiên Giang, kiêm phó Thị trưởng thị xã Rạch Giá, cho biết hiện ông đang có 3 dự án, trong đó có 2 dự án đang được xúc tiến. Dự án thứ nhứt tốn kém khoảng 50 triệu bạc là vét lòng kinh Lòng Lạch (kinh Rạch Giá) dài 1500 thước hiện rất cạn, nơi có nhiều tàu nhỏ cặp theo bến Bạch Đằng để chuyển hải sản lên các vựa. Lòng Lạch sẽ được nới rộng thành 80 thước và sâu 4 thước để tàu lớn có thể ra vào. Dự án thứ nhì là lấy 300.000 thước vuông đất vét Lòng Lạch lên đắp theo ven mé biển để nới rộng bến Hoàng Diệu (ngư cảng Rạch Giá) thêm 500 thước và dài 1000 thước, làm một ụ tàu và đắp đê bên kinh Nhánh. Dự án này tốn kém khoảng 110 triệu và sẽ do ngân sách địa phương đài thọ. Ông Hội cho biết sẽ chia lô để lấy lại tiền.
Riêng dự án thứ ba có tính cách hậu chiến là thiết lập hải cảng tại Hòn Tre.
Hòn Tre rộng 7000 thước vuông hiện có 1100 cư dạn đều theo nghề chài lưới. Theo dự án này thì nhiều khu kỹ nghệ sẽ được thành lập kế tiếp nhau như: khu kỹ nghệ nước đá, khu kỹ nghệ nhiên liệu, khu sửa tàu, khu phòng lạnh, khu sản xuất sửa chữa lưới, khu sửa máy radio và trang bị tàu, và sau cùng là khu sửa chữa máy tàu. Ông phó Tỉnh trưởng Kiên Giang thố lộ dự án này hơi khó thực hiện vì tổn phí cao khoảng 5 tỷ bạc.
Một tin vui khác cho giới ngư dân là hiện Ty Nông nghiệp đang đề nghị xin giải tỏa các vùng giới nghiêm ban ngày và thu hẹp diện tích các vùng cấm đánh cá. Nếu đề nghị này được chấùp thuận thì chắc chắn số ngư sản sẽ gia tăng rất nhiều.
Mặc dù tình hình an ninh chung chưa được tốt đẹp, nhưng với sự cố gắng cũng như óc cầu tiến, muốn phát triển địa phương mình của quí vị đầu tỉnh, chắc chắn Rạch Giá rồi đây sẽ xứng đáng với danh hiệu "Thành phố Quốc tế."