LỜI GIỚI THIỆU- GS. Phạm Cao Dương
Cuốn sách người đọc đang cầm trên tay là một tuyển tập gồm những bài viết dưới nhiều dạng thức khác nhau nhưng có chung một bản chất. Đó là những hồi ký của một phụ nữ Việt Nam có cuộc đời gắn liền với một thành phần quan trọng của dân tộc Việt Nam hiện đại, từ sau biến cố bi thảm 1975 sống lưu vong ở hải ngoại. Tôi nhận viết lời giới thiệu tác phẩm này không phải chỉ riêng vì giá trị nhân chứng của nó mà còn vì tự coi là có trách nhiệm của một người đã trực tiếp hay gián tiếp ít nhiều thúc đẩy tác giả cầm bút trong những ngày đầu và sau này là ấn hành và phổ biến những thành quả của những đêm dài thao thức của bà. Trách nhiệm này tôi xin được trình bày một cách tóm tắt như sau:
Tháng 7 năm 1981, trên tạp chí Nhân Chứng do nhà văn kiêm nhà thơ Du Tử Lê chủ trương, qua chủ đề "Vai trò của người lính Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến đấu hai mươi năm", giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ, nay đã qua đời, và tôi đã được các anh em trong nhóm dành cho hân hạnh mời tất cả các người Việt ở hải ngoại, đặc biệt những người đã từng sống, từng hoạt động, từng cầm súng chiến đấu trong những hoàn cảnh cô đơn và éo le nhất trong ngót nửa thế kỷ qua, viết lại những gì mình đã được tham dự, chứng kiến, nghe được và hiểu biết, đồng thời nếu có thể kèm theo những gì mình còn giữ được, để một cách rộng rãi gợi cho những người Việt Nam còn tha thiết với quê hương, đất nước, nhớ thương các bằng hữu hay chiến hữu hoặc những người thân thương của mình, cùng nhau ôn lại và rút kinh nghiệm về những ngày tháng bi thảm nhưng vô cùng hào hứng của dân tộc và hẹp hơn, gián tiếp hơn là để cung cấp những tài liệu đầy đủ hơn, vô tư hơn và chân thật hơn cho các sử gia tương lai hay cho chính con cháu của mình. Bài chúng tôi viết nhan đề là "Tài liệu cho sử gia".
Như một tình cờ nhưng vô cùng lý thú cho chúng tôi là tờ Người Việt, hồi đó còn là tuần báo, trong số ra ngày 8 tháng 8 năm 1981 đã đăng một bức thư của học giả Huỳnh Sanh Thông từ Đại Học Yale với những lời kêu gọi tương tự. Chưa hết, trong dịp ghé tòa soạn báo này để hỏi thăm các anh em trong ban biên tập sau vụ cơ sở mới của anh em bị một nhóm thanh niên Mỹ tới phá phách và hành hung, khi đề cập đến bài tôi viết cho Nhân Chứng, Đỗ Ngọc Yến lại cho biết thêm là báo của ông cũng có ý làm việc này và riêng ông đã có những mẫu gia phả và mẫu cây phả hệ để phổ biến cho đồng bào hầu đồng bào có thể nương theo đó mà viết hay điền. Hai anh em sống trên đất Mỹ, ít có dịp gặp nhau nhưng cuối cùng cũng đã thông cảm với nhau ít nhất ở một điểm xuyên qua nhu cầu này. Ước vọng của chúng tôi và chắc chắn cũng là của chung của rất nhiều người Việt thời đó, nếu được đáp ứng, sẽ có một tầm quan trọng không nhỏ. Có năm lý do:
Thứ nhất: Nó tạo dịp cho người Việt quốc gia nói lên tiếng nói của mình để từ đó các sử gia tương lai xây dựng lại một cách trung thực và đầy đủ hơn quá khứ đấu tranh của dân tộc từ những ngày đầu bi thảm nhất của đất nước.
Thứ hai: Lịch sử của một dân tộc không phải và không thể chỉ được coi là bao gồm những biến cố chính trị và quân sự xoay quanh những nhân vật lớn của thời đại mà phải được coi là bao gồm toàn bộ các sinh hoạt của dân tộc ấy, kể cả sinh hoạt hàng ngày, rất bình thường của mọi người dân. Ngoài ra người ta không thể giải thích một sự kiện chính trị hay quân sự bằng một sự kiện chính trị hay quân sự khác. Làm như vậy là quá đơn giản và tất nhiên thiếu sót.
Thứ ba: Công tác viết sử không phải chỉ bắt đầu bởi các sử gia mà đã khởi sự từ khi các tài liệu hình thành. Công tác này thường được thực hiện bởi nhà nước, xuyên qua vai trò của các sử quan hay các cơ quan chuyên lo tàng trữ các tài liệu nhưng đồng thời cũng là do ở dân gian. Hai nguồn tài liệu này có trách nhiệm bổ khuyết cho nhau. Trong giai đoạn hiện tại phần hành của nhà nước là do chế độ cộng sản nắm giữ. Nhà nước này do chủ trương và nhu cầu riêng có thể không cho tàng trữ những gì không có lợi cho chế độ, nếu không nói là đã hủy bỏ chúng, đồng thời có thể sửa đổi và ngụy tạo chúng theo ý riêng của mình. Để bổ khuyết, người Việt ở hải ngoại có trách nhiệm phải bảo vệ, tạo dựng lại các tài liệu xuyên qua việc làm mà chúng tôi gọi là dân chủ hóa công tác viết sử. Người dân Việt ở khắp nơi trên thế giới có thể khởi đầu bằng cách viết lại những gì mình biết, viết về đủ mọi khía cạnh trước giờ bị coi là tầm thường không đáng để lịch sử biết tới. Đời sống trầm lặng của các bà nội trợ trong gia đình chẳng hạn.
Thứ tư: Phong trào dân chủ hóa công tác viết sử nếu được thực hiện sẽ khởi đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử văn học của dân tộc. Hãy tưởng tượng ở khắp mọi nơi trên thế giới người Việt hải ngoại thi nhau viết hồi ký để ghi lại những gì mình đã trải qua, đã chứng kiến trong nhiều chục năm ở nước nhà, từ cuộc sống êm đềm hạnh phúc đến những chia ly, thống hận, viết với tất cả những thành tâm, thiện chí, viết cho chính mình, cho con cháu mình, cho bạn bè mình, cho những người thân yêu của mình, và rộng rãi hơn là cho dân tộc mình, viết liên tục ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác... trong nửa thế kỷ tương đương với thời gian trầm luân của dân tộc, chúng ta sẽ có những kho tàng văn học vô cùng phong phú và vĩ đại.
Những tài liệu này không phải tất cả sẽ được gửi đăng báo, in thành sách hay gửi cho các thư viện... mà sẽ nằm trong các tủ sách của các gia đình như là những gia thư vô cùng quí báu vì đã được hình thành bằng xương máu, nước mắt và mồ hôi cùng thời gian chịu đựng cũng như sức chịu đựng của những người liên hệ và người thực hiện. Chúng cũng có thể được đặt nằm trên bàn thờ gia tiên của mọi nhà như những gia phả. Chúng sẽ được các sử gia tham khảo nếu được gia chủ cho phép. Một điều cần được chú ý là vì được viết cho chính tác giả, viết để tưởng niệm những người trong gia đình đã khuất hay của bạn bè của tác giả, viết cho con cháu của chính tác giả, những tài liệu này chắc chắn sẽ vô cùng trung thực ít ra là tới một giới hạn nào đó.
Thứ năm: Vì tài liệu được viết bằng tiếng Việt nên con cháu sau này muốn đọc phải biết tiếng Việt. Đây là một tác động vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Nó sẽ gợi hứng cho các bậc phụ huynh trong việc khuyến khích con em mình học viết và học đọc tiếng Việt. Nó sẽ kích thích sự tò mò của con em chúng ta nếu chẳng may các em vì hoàn cảnh đặc biệt nào đó không đọc nổi tiếng Việt nữa. Các em trong trường hợp này sẽ cố gắng học hỏi để gần là tìm hiểu cuộc sống và sự ưu tư của cha mẹ, ông bà mình, xa là dòng dõi của mình.
"Cô Bé Làng Hòa Hảo" là một hồi ký điển hình được thực hiện dựa từ những lý do kể trên. Nguyễn Huỳnh Mai không phải là một nhân vật chính trị hay quân sự nổi tiếng của miền Nam trong thời gian tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa nhưng bà có đủ một số những điều kiện cần để viết về cuộc sống của một thành phần quan trọng của dân tộc Việt Nam hiện đại: Phật Giáo Hòa Hảo. Bà không quá trẻ để không được sống hay chứng kiến cuộc sống đạo hạnh và thanh bình của những tín đồ của đạo này cũng như những năm đầy sóng gió dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam. Cuộc đời hoạt động cho Phật Giáo Hòa Hảo của thân phụ bà đã đưa đẩy bà đến các cuộc sống không hoàn toàn bình lặng, nhưng nó đã cho bà những dịp tiếp xúc với các nhân vật lãnh đạo của Phật Giáo Hòa Hảo và những gì xảy ra cho họ. Bà cũng không quá già để không có dịp sống với tuổi trẻ ở miền Nam trong những thập niên sáu mươi và đầu bảy mươi, đồng thời mở đầu cho cuộc đời hoạt động của một ký giả ở trong nước, rồi sau này tiếp tục đi học và hoạt động ở nước ngoài. Sự không già đã giúp cho bà có đủ những khả năng cần thiết để theo dõi những gì đã xảy ra chung quanh bà và hiểu được giới trẻ cũng như những vấn đề của giới trẻ. Sự không già cũng giúp bà có đủ sức khỏe và nghị lực để tham gia một cách tích cực vào các hoạt động tôn giáo, xã hội và chính trị bên cạnh những gì thuộc phạm vi chuyên môn, đặc biệt là cầm viết và chăm lo giáo dục các con. Chưa hết, vì được huấn luyện để làm báo, hành nghề ở Việt Nam, tiếp tục hoạt động ở Mỹ, bỏ báo đi học truyền hình, rồi không hành nghề sau khi tốt nghiệp mà làm những việc liên hệ như một người Việt tình nguyện phục vụ cộng đồng, Nguyễn Huỳnh Mai đã viết hồi ký theo chiều hướng này. Bà đã nhìn những sự việc xẩy ra trong đời mình qua con mắt quan sát và phân tích của một ký giả báo chí và truyền hình. Bà vừa làm phóng sự với người ngoài, vừa làm phóng sự với chính mình, trong khi đó vẫn giữ bản chất của mình như một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và một phụ nữ Việt Nam với tất cả những ngại ngùng, do dự khi kể lại những gì liên hệ tới cuộc sống của mình và của gia đình mình để in thành sách và phổ biến.
Hồi ký Cô Bé Làng Hòa Hảo được thực hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau từ những nhật ký viết thời trước 1975 đến thư gửi các con, rồi hồi ký sau năm 1975. Đây là một sự chọn lựa vô cùng khôn khéo vì một mặt tác giả vẫn giữ nguyên được những gì bà đã viết trước kia, mặt khác bà có thể trình bày các chuyện xẩy ra trong xã hội, trong cộng đồng, trong gia đình hay trong đời sống riêng của cá nhân mình một cách tự nhiên, dễ dàng, đồng thời có thể đưa ra những suy tư và nhận định của riêng mình về đủ về mọi vấn đề từ chính trị, tôn giáo, triết học đến giáo dục con cái và cuộc sống hàng ngày ở những miền đất tạm dung. Người đọc trong những trường hợp này có thể đọc lướt qua một cách dễ dàng nếu không đồng ý với tác giả. Nhưng dù đồng ý hay không đồng ý, người đọc đều có thể thấy bàng bạc trong khắp tác phẩm của bà, Nguyễn Huỳnh Mai đã để lộ ra một tình cảm yêu nước nồng nàn và một lòng tin tưởng tuyệt đối vào tương lai của quê hương, của dân tộc Việt Nam của bà. Bà có một cái nhìn lịch sử xa, dài và tích cực. Cũng vậy trong cách bà nhìn thời gian qua những nét nhăn trên mặt của người phụ nữ là bà. Ghi chú về nghề nghiệp và gia đình vào khoảng đầu năm 1992, bà viết:
"Tôi không bao giờ thấy buồn về những nếp nhăn của mình mà thấy nó dễ thương. Nó cho mình thấy quãng thời gian trôi qua trong cuộc sống của mình. (Mình sẽ không là mình của ngày hôm nay nếu không có một quá khứ dài trên bốn mươi năm)" (trang 287).
Phải long đong vất vả, phải dời bỏ quê hương từ ngày còn nhỏ, phải đổi tên, phải theo học trường Việt-Pháp-Miên rồi trường Pháp với các bạn người Miên và người Tàu, rồi lại trở về Việt Nam để cuối cùng chạy qua Mỹ, lúc nào cũng phải vật lộn với những học đường, những ngôn ngữ và những phong tục tập quán mới, nhưng Nguyễn Huỳnh Mai bao giờ cũng vẫn lạc quan. Bà vẫn luôn luôn cho là "Ông Trời thương cho người Việt đi khắp thế giới" (tr. 311) và bà có nhiều quê hương để mà yêu:
"Mỗi dân tộc đều có những người dân yêu say đắm, nồng nàn quê hương mình, mẹ của con lại có nhiều quê hương để yêu thương. Mỗi quê hương mẹ sống, ăn thức ăn, nghe ngôn ngữ, hít thở không khí, hòa đồng với dân tộc đó, và nó trở thành một phần của tâm hồn và thể xác mẹ." (trang 309).
Đó là Nguyễn Huỳnh Mai, cô bé làng Hòa Hảo, của miền đất mới nhất của dân tộc Việt, nơi tất cả chỉ mới là khởi đầu, kể cả tôn giáo của cô. Nhưng trong cái mở đầu đơn sơ ấy, Phật Giáo Hòa Hảo đã cho phép người ta được tự do đi xa hơn sau khi đã được võ trang bằng những giáo lý căn bản để khỏi lạc đường. Nguyễn Huỳnh Mai đã có được tất cả những tự do để đi xa, để quan sát, để tìm tòi, để phân tích, để nhận định và để học hỏi. Trải rộng trong không gian và thời gian, tác phẩm của bà đã cho người ta thấy lại những kinh nghiệm, những suy tư của bà trong khoảng thời gian ấy. Và bà đã không lạc đường. Cô bé làng Hòa Hảo lúc nào cũng tâm tâm, niệm niệm, cũng lạc quan hướng về làng Hòa Hảo, về quê hương Việt Nam của cô, bất chấp không gian xa lạ và thời gian vùn vụt trôi qua, vì đối với cô "quá khứ, tương lai và hiện tại đều là một" (trang 287).
Chia xẻ sự lạc quan và tin tưởng của Nguyễn Huỳnh Mai, tôi xin được gửi tới người đọc "Cô Bé Làng Hòa Hảo" những lời giới thiệu trên đây.
Huntington Beach, mùa hè năm 1994.
G.S. Phạm Cao Dương