Minnesota 8-11-1977
Ngân thương,
Thật bất ngờ nhận được thư Ngân, do ông ba nuôi bên Thái Lan chuyển. Chị đã vội chụp bản sao và gởi ngay cho Hồng ở Penn, Hồng chưa có tiến sĩ như Ngân tưởng, mà Hồng cũng chưa xong cao học nữa. Hồng đã tự tử hai lần rồi Ngân à. Hồng quá cô đơn và thiếu may mắn trên đường tình. Hôm qua chị có điện thoại cho Hồng thì Hồng nói Hồng buồn quá, nên không viết thơ cho chị, Hồng sợ than rồi chị buồn lây. Lâu rồi Hồng không nhận được tin gia đình. Không biết bên nhà ra sao? Sao Ngân lại hỏi như vậy? Chị còn nhớ chứ. Nhớ năm chị em mình gặp nhau và kết nghĩa ở Vạn Hạnh. Bức thư của Ngân là cả một vùng kỷ niệm bủa ập lấy chị cùng những suy tư tràn ngập suốt mấy tuần nay. Chị thấy thèm viết, thèm tâm sự với Ngân, dù bức thư này có đến được tay Ngân hay không. Có phải như vậy là mình có nợ với ngòi bút không Ngân? Nếu vậy thì nơi mảnh đất Ngân đang sống, những người có cùng một món nợ như chị sẽ làm gì khi bị con nợ đòi?
Ngân thương,
Điều chị mừng nhất cho Ngân là gia đình Ngân ở Sàigòn, Lâm không bị đi học tập và Ngân có vẻ đang sống trong hạnh phúc mặc dù bận bù đầu. Đúng như Ngân mong, chị đang đi học tiếp, nhưng gặp nhiều khó khăn lắm Ngân ạ. Trường ở đây lớn, nhiều tiện nghi, nhiều sách vở, mỗi khi đổi lớp sinh viên họ đi ùn ùn như hội chợ, nhưng nhiều khi mình có cảm tưởng như đang đi chỗ không người. Làm sao tìm được không khí thân mật của mình ngày xưa nơi trường cũ đầm ấm tình bè bạn, nghĩa thầy trò, hở Ngân. Những buổi văn nghệ mang nặng tình tự dân tộc nay thay vào những buổi nhảy múa, những màn trình diễn của các ban nhạc mà những lời ca tiếng nhạc sao như xa lạ với mình quá.
Chị còn nhớ hôm đầu tiên bước chân vào một lớp học. Vừa ngồi xuống ghế là chị cảm thấy ngay cái không khí cô đơn và lạnh toát bao trùm. Chị cảm thấy ngay cái lạnh lùng của những người bạn không cùng chủng tộc với mình. Họ không đáng được tha thứ đâu Ngân. Họ không biết nhiều về Việt Nam mặc dầu họ là những sinh viên báo chí. Nhưng đừng tưởng họ lạnh lùng là họ không để ý đâu nhé. Họ muốn tỏ ra là người lịch sự văn minh, họ không muốn lộ ra ngoài vẻ tò mò. Vì vậy, họ nhìn lén tài tình lắm. Cô bạn ngồi cạnh chị, hể mỗi khi đến lúc cô ta ghi "cua" thì xoay lưng lại phía chị để tập lên đùi chép. Cô liếc trộm đôi giày chị, rồi một hôm cô mang một đôi giầy trắng thật mới, móng chân cắt sạch sẽ. Dĩ nhiên là bàn chân và đôi giầy cô ta trước đó ....
Tuy vậy cũng có người tốt Ngân ạ. Đó là những bà già. Chị có một số bạn Mỹ già. Sau khi chị đến đây chừng một năm họ có mời chị đến chơi nhân một buổi họp mặt. Họ muốn nghe chuyện nước mình. Mới nghe chị nói mẹ sanh chị giữa lúc súng đang nổ thì họ xuýt xoa hít hà, gục gà gục gật ra chìu thông cảm lắm. Người Mỹ, khi nghe chuyện của mình, lúc nào cũng nói "I know, I know" nhưng thật ra họ chẳng "know" gì hết. Nè, mấy bà Mỹ diện lắm Ngân ơi! Bảy tám chục tuổi mà còn đeo bông tòn ten, cà rá đủ kiểu, sơn móng tay, trang điểm, mắt vẽ xanh xanh nữa. Hôm đó có mười hai bà mà mỗi bà một kiểu. Bà nào cũng đi vớ mỏng, mang giầy cao gót, gân chân của họ nổi lên cuồn cuộn. Nhiều bà nói chuyện lắp bắp khó nghe ghê. Có bà run quá phải chống gậy. Chị sợ họ té nhưng không dám vịn. Hể vịn là họ mất lòng ngay đấy. Hôm đó chị phải mang các quyển album theo vì chị từng bị hỏi: Hồi ở bên Việt Nam có ăn khoai tây không? Có ăn sà lách không? v.v... Chị muốn cho họ xem phong cảnh Đà Lạt của mình đâu có thua gì Minnesota của họ. Cho họ xem mình ăn mặc thế nào, chớ không khéo họ lại tưởng lúc chưa qua xứ họ chắc mình đóng khố.
Ngân mến,
Chị bận lắm nên mỗi đoạn thơ chị viết cho Ngân đều ở một thời gian không gian khác nhau. Chị đang ngồi trong câu lạc bộ nhà trường giữa tiếng nói tiếng cười của các bạn Mỹ và tiếng tiền cắc chạm vào nhau trong các máy bán nước và thức ăn. Sao người ta ăn thức ăn của người ta trông ngon quá, còn mình thì cố nuốt. Buổi trưa chị thường không ăn nữa mà chỉ làm những động tác để vừa lòng bao tử. Như bỏ mẩu bánh mì vào máy Microwave bấm 20 giây hâm nóng, bỏ 20 cents vào máy để mua một ly nước, rồi tuần tự cho hai thứ ấy vào mồm. Thế là xong!
Ngồi ở đây đôi khi cũng gặp nhiều chuyện ngộ ngộ. Giữa câu lạc bộ có một sân khấu nhỏ. Hôm trước có một nhóm da đen đến biểu diễn thời trang, họ leo lên từng người nhún nhảy co tới co lui, xong họ để nhạc, rồi mạnh ai nấy giựt.
Ngân nói bên mình bây giờ mốt của các cô là mặc quần áo thêu à? Về thời trang ở đây chị thật là quê. Hôm nọ chị gặp một cô Mỹ mặc quần vải trắng cột giây lưng, chân mang guốc (giống guốc vong) đi trên đường. Chị cứ tưởng cô ta đang nằm nhà thương mà sao đi lang thang ngoài đường. Chừng nghe cô em nói chị mới biết đó là mốt mới nhứt cuả các nàng Mỹ đấy. Thú thật với Ngân, mặc quần vải trắng hơi nhăn nhăn, lưng quần buộc gút thả tòn teng, chân mang guốc trông giống mấy người đi sau xe tang bên mình ghê đi.
Tuần rồi, hôm lễ Hallowen có vài cô cậu Mỹ dắt bạn lên sân khấu vẽ mướn 25 cents một cái mặt nạ. Các cô cậu xếp hàng nối đuôi nhau để được vẽ (may quá không có Việt Nam mình). Nhiều cô Mỹ thật xinh chìa hai cái má mịn màng hồng hào ra để được tô cho những nét vằn vện. Nhưng cả thảy đều tỏ ra khoái trá sau khi nhìn vào cái kính con con. Gần nhà chị họ có làm một cái nhà ma nữa. Vào ngày lễ này ban đêm trẻ con hóa trang ma quái mang mặt nạ đến gõ cửa từng nhà để xin kẹo. Sao ở cái xứ văn minh không tin chuyện hoang đường mà lại có một cái lễ ma quái như vậy cho trẻ nít Ngân nhỉ. Nhìn lại Tết Trung Thu của trẻ con Việt Nam sao mà dễ thương ghê.
Ở dưới hầm nhà trường hôm nay ngộp quá vì họ vặn máy sưởi hơi cao nên chị lên câu lạc bộ trên lầu. Mỹ họ siêng quá Ngân ơi. Ngồi đâu, nằm đâu, họ cũng học được. Đang ăn cũng học. Ít ai tụm năm tụm ba nói dóc như sinh viên mình lắm. Trời hôm nay âm u nhưng thỉnh thoảng lại lú chút nắng. Nơi chị ngồi, trên trần và bức tường trước mặt đều bằng kiếng. Ngoài sân, những chiếc ghế bỏ trống. Không ai ngồi phơi nắng vì hôm nay trời đã cuối thu. Bên ngoài gió nhiều. Những cành cây trụi lá lay động mạnh. Nha khí tượng cho hay chiều nay bão và tuyết đổ về đêm. Xa xa những tòa bin đinh cao in đậm nét trên nền trời. Hàng chữ St. Mary's Hospital trên một tòa bin đinh dài làm tim chị thắt lại. Nơi đó, tuần rồi họ đã phát giác ra được bệnh ung thư máu của người chị họ của chị. Thoạt nghe đến hai chữ ung thư ai mà không bủn rủn tay chân, nhất là người mắc bệnh lại là người thân của mình. Họ đã chuyển chị ấy sang một nhà thương gần trường chị vì nơi này chuyên về ung thư. Họ nói bệnh mới phát nên có thể trị được. Bây giờ ai vào thăm phải mặc áo choàng, mang găng tay và mặt nạ vì bác sĩ đang cho thuốc vào người chị ấy để giết vi trùng ung thư nên chị yếu lắm. Chị cầu mong cho chị ấy khỏi bệnh vì các con của chị còn nhỏ quá. Anh ấy là bác sĩ từng cứu nhiều bệnh ngặt nghèo mà bây giờ mất hết bình tĩnh. Sang đây hai gia đình gặp nhau ở trại, cứ nghĩ dắt díu nhau đến xứ lạnh này, đem tình bà con mà sưởi ấm đùm bọc lấy nhau nơi xứ lạ. Nếu chị ấy...
Ngân thân,
Sao chị thấy sự sống cái chết, sức khỏe và bệnh tật gần nhau quá. Đời người sao mỏng manh như sương như gió phải không Ngân? Ngân đã cho bé Xu quy y ở một chùa trên Bình Dương rồi à? Bây giờ Xu mới có 35 tháng. Liệu Ngân, Lâm, vị sư trụ trì sẽ gây được cho nó và giữ được cho nó trong bao lâu sự tin tưởng nơi Phật Trời? Lúc bắt đầu khôn lớn đi học bị thầy hỏi thương ai liệu nó có chỉ Đức Từ Bi trong ba bức ảnh Phật, Chúa và Bác Hồ ? Cu Thịnh tháng 12 này được bốn tuổi, nó biết đến trước bàn thờ Phật cầu nguyện cho ông bà nội của nó ở bên Việt Nam được mạnh giỏi. Lời cầu nguyện của nó luôn làm cho ba nó cảm động và buồn.
Ngân ơi,
Từ ngày qua Mỹ chị không còn viết nhật ký cho Thịnh nữa. Mỗi khi cầm quyển sổ nhỏ ấy trên tay chị buồn làm sao ấy. Liệu khi lớn lên nó có hiểu được những gì chị tâm sự với nó từ lúc hình hài của nó mới được thành tựu, đến lúc gặp khó khăn khi sanh nở và lúc nó biết lẫy, biết bò, rồi chập chững biết đi. Liệu nó có hiểu được tâm trạng của mẹ nó sau khi lấy chồng phải sống xa không khí đầm ấm của gia đình để bắt đầu va chạm với đời không? Mẹ nó thương nhớ gia đình như thế nào và nghĩ gì về tương lai của con mình. Dù cho nó có đọc được tiếng Việt Nam, liệu nó có hiểu được cái thâm trầm của người Việt mình không? Chắc Ngân còn nhớ ông Ích ở Cầu Muối xem bói nói chị sẽ sanh thêm một đứa con trai và hai anh em nó sẽ lấy vợ ngoại quốc. Còn anh đang đi lính mà ông nói anh chị sẽ xuất ngoại, lập nghiệp ở ngoại quốc và nhập quốc tịch luôn. Lúc đó tụi mình cứ bảo đùa là chắc anh xuất ngoại sang Kampuchia. Vậy mà ông thầy tử vi này nói đúng ghê Ngân ơi. Cu Cường, em của Thịnh nay đã được 19 tháng, nó là Mỹ con mũi xẹp đấy.
Chị đố Ngân biết chị đang ở đâu? Chị đang ngồi trên xe xếp hàng chờ vào bãi đậu. Có thể một giờ hoặc hai. Mình phải tập kiên nhẫn ở cái xứ hay "xếp hàng" này. Ngoài trời tuyết bay lất phất như những hạt đường cát trắng. Những hạt tuyết nhẹ tan sau một vài giây chạm vào kiếng xe. Mới hôm qua mình cứ ngỡ đang đi trong khung trời Đà Lạt mà hôm nay trời bỗng trắng xóa, gió rít từng cơn. Nhiệt độ xuống 5 độ C. Mùa đông đến, mỗi lần mình đi đâu cứ như mang cả một tủ áo theo. Nào áo trong áo ngoài, quần trong quần ngoài, nón, găng, khăn quàng cổ. Cái lạnh ở Đà Lạt làm mình run buốt xuýt xoa. Cái lạnh ở đây khô, ngấm dần và thường gia tăng khi có gió. Lúc trời dưới 10 độ F tức 24 độ C khi đi ra ngoài mình cảm thấy bị ngộp thở, hai buồng phổi như co rúm lại, ngực như lép vào tưởng chừng bị rút hết không khí. Chị thường thở hào hển mỗi khi lội bộ từ bãi đậu xe đến lớp học, cái mũi tưởng như đã đánh rơi ở dọc đường vì nó tê cóng mất hết cảm giác. Thế mới biết khí hậu ở xứ mình thích thật.
Ngân mến,
Lời thơ thì bất tận nếu người viết chưa muốn ngừng. Chị bạ đâu nói đó hơi nhiều nên chắc phải kiểm duyệt lại. Bức thơ này đến tay Ngân khi Saigon đang sắp sửa đón lễ Giáng Sinh. Ngân nói đêm Giáng Sinh năm rồi các cô các cậu bên mình còn chưng diện đi đầy đường. Thời nào ở nước mình mà không có một số người vui Ngân? Nhưng cái vui ấy còn tồn tại bao lâu nữa?
Thôi nhé, cho chị kính lời thăm hai bác và chúc bác gái mau hết bệnh. Anh của Lâm đã về nhà rồi à? Sao chị nhớ anh ấy tu ở chùa? Ngân cho chị gởi lời thăm Ái nhé, cô bé xinh như hoa của VTX trong ban phiên dịch quốc tế bây giờ phải mặc đồ đen ra gác cổng. Chị thăm vợ chồng Trúc và chúc quán cà phê bên lề của nó khấm khá ra. Riêng phần hai vợ chồng tụi em, chị chúc tiệm sửa radio-cassette "Xu Xu" mau phát đạt.
Chị Hai
Nguyễn Huỳnh Mai