3. Giáo Sư Phạm Kim Vinh nói chuyện với báo Chí Mỹ về chiến tranh Việt Nam

25 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 20627)
3. Giáo Sư Phạm Kim Vinh nói chuyện với báo Chí Mỹ về chiến tranh Việt Nam

Photo: Nguyễn Huỳnh Mai, Judy Coburn, GS Pham Kim Vinh, Hungtington Beach, 1981

28.7.81

"... Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Tây phương  nhắm mắt cúi đầu ca tụng cộng sản cố ý không muốn nhắc nhở rằng cộng quân đánh bao nhiêu năm thì quân lực VNCH chiến đấu bấy nhiêu năm. Bây giờ, vào phút tôi đang trả lời các câu hỏi của quí vị thì tại Việt Nam, những người quân nhân của quân lực VNCH vẫn còn tiếp tục chiến đấu chống lại bạo quyền CS. Bây giờ, đã trễ rồi, nhưng trễ còn hơn không, quí vị hãy nên có sự lương thiện tối thiểu để nói cho thế giới biết sự anh dũng của quân lực VNCH trong biết bao nhiêu năm."

Bình luận gia Phạm Kim Vinh đã đáp câu hỏi về tinh thần chiến đấu của quân lực VNCH do hai ký giả ngoại quốc là ông Bruce Palling và cô Judy Coburn đặt ra trong một cuộc tiếp xúc vào ngày 24-7-81 tại Huntington Beach, CA.

Được biết ký giả Úc Đại Lợi Bruce Palling đã chứng kiến những năm cuối cùng của Miền Nam Việt Nam lúc ông làm thông tín viên cho tờ London Times. Hiện ông đang cộng tác với đài truyền hình WGBH tại Boston để thực hiện một chương trình dài 13 tiếng đồng hồ về chiến tranh VN. Riêng ký giả Judy Coburn, cũng đã từng ở VN gần ba năm khi cô làm việc cho tờ Far East Review và Village Voice tại New York, vào tháng 3 và tháng 4 năm 1980 cô đã trở lại VN với tư cách là ký giả của tờ Village Voice. Lần này cô được viếng Hà nội và cô cho biết cảm tưởng rằng cô không ngờ Hà nội lại nghèo xơ xác như thế. Khi vào Sàigòn cô bị dân chúng phun nước miếng hai lần vì họ lầm tưởng cô là người Nga. Cô Judy Coburn cho biết cô không ngạc nhiên tí nào và cô vội xua tay nói rằng: "Tôi không phải là người Nga." Theo cô thì tuy những người cô tiếp xúc không được nói nhiều vì phải qua thông dịch viên của chính quyền CS, và những nơi cô đến viếng như trại học tập đều có sự sắp đặt, nhưng cô cũng đã nhìn thấy và hiểu rất nhiều. Hiện nay ngoài việc viết về cuộc viếng thăm VN, cô còn cộng tác bán thời gian cho tờ Los Angeles Times...

Theo ông Bruce Palling và cô Judy Coburn thì họ muốn phỏng vấn và thảo luận với tác giả quyển "Lịch sử cuộc chiến đấu của quân lực Việt Nam Cộng Hòa" để tìm hiểu thêm trong khi họ thực hiện đoạn phim "Chiến tranh miền Nam VN từ 1968 đến 1972."

Cũng nên biết ông Phạm Kim Vinh đã phục vụ 14 năm trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông cũng đã từng chỉ huy một trung đoàn lục quân tại Quảng Trị. Sau đó ông được chỉ định để diễn giảng về các đề tài chiến thuật và chiến lược tại Trường Chỉ Huy và Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đặt trách huấn luyện tại trường đó về môn Hành Quân Trực Thăng Vận. Ngoài ra, ông cũng là Ủy viên Ủy ban Nghiên cứu Du kích chiến và phản Du kích chiến tại trường trên. Trước khi giải ngũ, ông Vinh là một Ủy viên trong Ủy ban soạn thảo binh thuyết cho lục quân VNCH do Cục Quân Huấn Tổng Tham Mưu thiết lập.

VÔ NGHĨA VÀ BẤT LƯƠNG

Khi trả lời câu hỏi ông nghĩ sao về công cuộc "Việt hóa" dưới thời Nixon, ông Phạm Kim Vinh thẳng thắn nói:

"Danh từ Việt hóa là một danh từ vô nghĩa và bất lương. Vô nghĩa vì nhiều năm trước khi Mỹ tới VN, người Việt quốc gia đã tự lực chiến đấu chống cộng rồi. Bất lương là vì dưới danh nghĩa Việt hóa người ta đã buộc vài trăm ngàn quân chính qui của VNCH phải thay thế hẳn cho trên nửa triệu quân đồng minh, nhưng lại không cho quân lực ấy được có những phương tiện dồi dào và ghê gớm như khối quân đồng minh kia. Và cũng vì các danh từ vô nghĩa đó, khi sự việc diễn ra không tốt đẹp nữa, người ta đã có sẵn vật tế thần là quân lực VNCH để mà trút cho quân lực mọi lời chê bai làm nhục."

Đáp câu hỏi ông có nghĩ là khi rút quân năm 1969, Nixon đã khơi đầu cho sự phản bội không? Ông Vinh cho rằng người Mỹ muốn tới Việt Nam là tới, không cần đếm xỉa đến chủ quyền của nước bạn đồng minh nhỏ bé tại đây. Khi họ rút chạy thì họ rút. Không cần chú ý tới những hậu quả tai hại sẽ xảy đến cho  đồng minh của mình. Nước Mỹ có ý không ký một thỏa hiệp nào với miền Nam VN về sự đồn trú của quân Mỹ để sau này dễ bề tháo chạy. Còn nói rằng miền Nam VN muốn thấy lính Mỹ hiện diện tại miền Nam VN hay không thì ông Vinh nghĩ rằng ít người VN muốn thấy quân Mỹ tại VN. Ông Vinh nhấn mạnh:

 "Chúng tôi cần nước Mỹ giúp phương tiện chứ không tha thiết với sự hiện diện của quân Mỹ."

Về câu hỏi, Ông nghĩ sao về chiến lược Mỹ trong cuộc về chiến tranh VN, ông Vinh đáp:

 "Tôi không nghĩ rằng người Mỹ đã tìm được một chiến lược thích đáng tại VN trong thời gian quân Mỹ tham chiến. Hoặc nếu có thì chiến lược ấy tồi tệ. Nếu có thể gọi đó là chiến lược thì nó thường đi theo sau chiến lược của đối phương từ một bước đến hai bước."

Ông đưa ra một thí dụ: Khi CS đánh du kích tại miền Nam thì người Mỹ ép quân lực VNCH phải huấn luyện theo chiến tranh  quy ước để đề phòng một cuộc xâm lăng như tại Cao Ly năm 1950. Đến khi cộng quân đánh tới cấp sư đoàn tại Nam VN thì cố vấn Mỹ lại buộc quân lực VNCH học nhiều về du kích chiến. Cũng đã có những tướng lãnh Nam VN đưa ra nhiều đề nghị thực tế cho hợp với chiến trường VN hơn nhưng họ không chịu nghe. Nói tới đây, ông cười chua chát rồi tiếp:

"Thuyên chuyển tướng lãnh chỉ huy trong nội bộ quân lực VNCH mà còn phải có sự thỏa thuận của người Mỹ thì nói gì đến sự đề nghị thay đổi chiến lược và chiến thuật."


Cuối cùng, G.S. Phạm Kim Vinh bực tức bày tỏ:

"Tôi muốn nhân dịp này nhắc lại rằng báo chí và truyền hình Mỹ rất bất lương khi loan tin về chiến tranh  VN. Đạo đức chuyên nghiệp thông thường của nghề truyền thông là phải tìm sự kiện ở cả hai phía rồi hãy nói và viết. Báo chí và truyền hình Mỹ nhất là tờ Newsweek và hãng CBS lại chỉ dùng một phía để tường thuật. Đó không phải là một điều vẻ vang cho nước Mỹ."

Cuộc tiếp xúc trên đã diễn ra rất cởi mở và tốt đẹp. Qua ngày hôm sau, tức chủ nhật 25-7-81, cô Judy Coburn và ông Bruce Palling cùng với nhóm chuyên viên đã đến nhiều nơi để phỏng vấn và thu hình một số cựu quân nhân đã từng tham dự các trận đánh Mậu Thân và Mùa Hè Đỏ Lửa tại Quảng Trị.

Người viết bài đã rất xúc động khi nghe những người lính VNCH nói lên được tinh thần chiến đấu hào hùng cùng với sự uẩn ức bấy lâu nay của mình trong thời gian chiến đấu chống CS bảo vệ miền Nam VN cho đến khi mất nước.

Được biết, trước khi đến Cali để thực hiện cuộc phỏng vấn trên, những người thực hiện chương trình truyền hình và chiến tranh  VN này đã sang VN vào tháng 1 và 2, 1981, để phỏng vấn rất nhiều người, kể cả Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, họ cũng đã phỏng vấn một số nhân vật tại Mỹ như Bùi Diễn, Trần Văn Đôn, Hoàng Đức Nhã, và Nguyễn Bé.

Trong quá khứ đã có rất nhiều phim ảnh và hay chương trình TV Mỹ bóp méo về chiến tranh  VN hay cố gắng làm nặng thêm mặc cảm của người Mỹ đối với VN nhằm mục đích khuyến khích sự bình thường hóa bang giao giữa Mỹ và chính quyền VN, tạo cơ hội khuyến khích chính quyền Mỹ bồi thường chiến tranh cho CS Hà nội. Số tiền bồi thường này nếu có sẽ tạo thêm nhiều gông cùm, súng đạn, để búa lên đầu người dân VN. Trong tương lai nếu có những chương trình tương tự như thế, chúng ta, những người cầm bút ở hải ngoại chắc chắn sẽ có dịp bày tỏ lập trường và thái độ của mình.

Nguyễn Huỳnh Mai
28-7-81

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41894)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42843)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48972)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42562)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36594)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41557)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41255)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43178)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39600)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45199)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40161)
1,863,880