DẪN NHẬP - Như Một Chia Xẻ

29 Tháng Chín 200412:00 SA(Xem: 11869)
DẪN NHẬP - Như Một Chia Xẻ

Có lẽ tôi nên có đôi hàng tâm sự kẻo độc giả lại nói: "Cô Bé Làng Hòa Hảo sao lại ở nhiều nơi thế ?".

Thật vậy, tôi mường tượng khi quyển sách ra đời nó có vẻ như cái "sọt rác", lúc thì nhật ký, hồi ký, rồi bao gồm nhiều lá thơ tâm sự với con gái nuôi vượt biên, ở trại tị nạn Thái Lan qua Mỹ.

 

Thêm chuyện đời của tôi, hồi còn nhỏ ở làng Hòa Hảo sau di chuyển đi Cần Thơ, Sàigòn, Nam Vang, Đà Lạt, rồi sang đất khách quê người. Tại Mỹ, gia đình tôi thoạt tiên định cư ở Minnesota, sau dọn về California ở vùng Long Beach lập nghiệp, rồi dời về Mission Viejo.

 

Tôi không biết cái tựa "Cô Bé Làng Hòa Hảo" có hợp không nữa, hay nên gọi nó là "Bà Già Làng Hòa Hảo"?

 

Hôm nọ gặp một anh bạn của ông xã thuộc Văn Hóa Vụ của trường Võ Bị Đà Lạt. Anh bảo: "Cái tựa ấy không ai mua đâu chị ạ". Rồi anh đan cử một vài cái tựa thật kêu của một vài văn hào nổi tiếng thế giới ra. Anh đề nghị: "Hay là chị tìm một cái gì thật nhỏ nơi chị ở để tiêu biểu, như con sông chẳng hạn". Tôi cười nói: "Anh định cho tôi giống Siddhartha của Hermann Hesse trong quyển Câu chuyện dòng sông ?. Siddhartha lúc già ở cạnh dòng sông, còn tôi hồi nhỏ xíu, sáng nào cũng ra lan can trước nhà nhìn dòng sông lúc bình minh ló dạng. Con sông của tôi là sông Vàm Nao thuộc dòng Cửu Long. Nhưng thôi anh ạ, tôi chỉ thích một cái tựa giản dị."

 

Tôi hay nói đùa với bạn bè, biết đâu cuốn sách đầu tiên của tôi sẽ nằm yên đóng bụi trong một căn phòng nào đó. Sau này con cháu tôi sẽ thay bìa lại, rồi đem bán nó với cái tựa đề "Lão Bà Làng Hòa Hảo", vì lúc đó tôi đã cỡi hạc quy tiên rồi.

 

* *

Tôi cũng tự tìm hiểu xem lý do nào khiến tôi ra sách. Có phải tôi muốn nổi tiếng không? Chắc là không, vì cuốn sách có vẻ "tả pí lù", không giống ai cả. Tôi cũng không phải là nhà văn, thi sĩ, hay triết gia. Tôi chỉ là một "ký giả nửa mùa", nửa mùa vì không hành nghề ký giả hay là một nhà báo hoàn toàn.

 

Nếu tôi muốn nổi tiếng tại sao tôi đã bỏ viết báo, bỏ ngành truyền hình, vào quét dọn trong một tiệm hoa để học một nghề lao động, tập làm việc tay chân, đổ mồ hôi rồi nhận lấy mấy đồng bạc một giờ? Đổi lại, cái nghề lao động ấy đã phát cho tôi một bằng cấp vô hình nhưng vô giá. Tôi không có giấy chứng nhận, không có mũ, áo, không ai chụp hình quay phim. Đó là bằng cấp "làm người". Tôi đã học về con người, về chính tôi, trong giang sơn nhỏ bé của các tiệm hoa, có đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố, có sự chèn ép, ganh tị, mánh khoé, lọc lừa, gian lận... giữa con người với con người. Tôi đã làm tớ cho các chủ Mỹ gốc Ý, Do Thái, Ấn Độ và ba bà chủ Đại Hàn. Tôi đi từ tiệm này qua tiệm kia và lương bổng cứ tăng dần.

 

Có một lần chủ tôi hỏi khi tình cờ biết tôi đã học ngành truyền hình: "Sao học truyền hình lại đi cắm bông". Tôi bảo tại không thích, khi cắm hoa tôi thấy tâm hồn bình an hơn. Bà tỏ vẻ không tin.

 

Thói thường người ta cho rằng đổi nghề vì thất bại, nhưng những người ở Mỹ lâu sẽ hiểu là có rất nhiều lý do khác hơn. Tôi có những người bạn lương một năm trên một trăm ngàn mà họ vẫn đổi nghề. Cửa hàng đang khá họ vẫn bán đi khi phát hiện đồng tiền hay danh tiếng không phải là cái mà họ đang tìm.

 

Sau sáu tháng làm việc với Francise ở Artistry & Flowers năm 1985, tôi từ giã bà, qua tiệm khác lớn hơn ở Mission Viejo để làm Head Designer (thợ chánh). Francise ôm tôi khóc. Chồng bà mất trong một tai nạn xe cộ, các con bà mua cho bà một tiệm hoa để giải sầu. Bà không ngờ tiệm hoa làm khổ bà, vì các cô thợ cắm hoa cứ bắt chẹt, làm khó bà nhất là vào các kỳ lễ lớn. Họ làm thật chậm để kéo dài giờ phụ trội cho bà trả tiền mệt nghỉ.

 

Tôi cứ ngỡ làm nghề cắm hoa thì tâm hồn được bình lặng. Khi say sưa cắm hoa tôi quên cả chuyện buồn bực hay đau ốm, nhưng cũng có những lúc tâm hồn thật xáo trộn khi giận chủ hay những cô bạn cùng nghề làm việc chung. Tiệm hoa lại là một "ổ nhiều chuyện". Chưa bao giờ tôi nghe nhân viên nói tốt về chủ của mình. Tôi cứ như được xem kịch mỗi ngày.

 

Hình như tôi đã đi quá xa đề tài. Tôi đang tìm lý do ra cuốn sách, chứ không phải viết về "nghề cắm hoa tại xứ Mỹ".

 

Nếu cho cái "tả pí lù" này là cuốn sách, thì phải gọi nó là cuốn thứ nhì, vì cuốn thứ nhất tôi viết khi tôi đang làm việc cho chương trình Huấn Luyện Giáo Sư Song Ngữ tại Đại Học Long Beach, năm 1982. Lúc đó tôi làm sinh viên phụ tá với số lương bán thời gian là bốn trăm chín mươi sáu đồng một tháng, với điều kiện phải là sinh viên cao học tại trường này. Các cố vấn và các giáo sư của tôi cùng với tôi đề ra một chương trình cao học đặc biệt gọi là "Indochinese Educational Television". Tôi dự định làm khảo luận với đề tài "Chương Trình Truyền Hình Giáo Dục Cho Trẻ Em Người Đông Dương"

 

Quyển sách đó ghi lại tâm sự một khúc quanh của cuộc đời tôi, nói lên lý do tại sao qua Mỹ mặc dù kém Anh ngữ tôi vẫn ráng học ngành truyền hình. Sau khi ra trường tôi thất vọng ra sao. Lý do tôi đang viết báo mà quyết định bẻ bút. Tại sao đang qui tụ sinh viên lại nhà để hội thảo, mời thuyết trình viên đến nói chuyện về các vấn đề có liên quan đến Việt Nam lại ngưng không tiếp tục... Cuốn sách nói lên nỗi lòng tôi nghĩ đến sự đau khổ của dân tộc, tâm trạng của một người muốn tìm hiểu, học đạo, muốn bỏ hết để "đi tu", nhưng vẫn phải lo sao cho tròn bổn phận làm con, làm vợ và làm mẹ...

 

Nếu nói ra quyển sách này viết bằng Anh ngữ thì tôi lại mắc cở vì tôi viết tiếng Anh rất kém. Có lẽ tôi không thể giỏi một sinh ngữ nào ngoài Việt ngữ. Đó là một điều may mắn cho tôi vì lúc theo ba tôi lên Cao Miên sống khoảng năm 1955, sau khi theo học trường Bà Phước một thời gian, ba tôi gởi tôi về Sàigòn để học trường Việt. Tôi học lớp nhì và lớp nhất ở trường tiểu học Lamartine Bàn Cờ, rồi học đệ thất tại trường Kiến Thiết. Sau đó tình hình lộn xộn quá, ba sợ nguy hiểm cho tôi nên mướn người đưa tôi qua Cao Miên.

 

Từ nhỏ cho đến lúc bấy giờ tôi tên là Nguyễn Thị Ngọc Thu. Lúc học trường Providence ở Cao Miên, mấy "Ma sơ" đặt tôi là Juliette cho dễ gọi. Khi trốn qua biên giới, người đàn bà dắt tôi đi cầm theo khai sanh tên Nguyễn Thị Hường. Đến mỗi cổng lính Việt Nam hay lính Miên bà đều trình khai sanh đó và một số tiền kẹp vào trong. Tôi ngồi yên trong xe niệm Phật xin phò hộ "cho con được qua biên giới bình yên để gặp lại ba mẹ".

 

Trở qua Cao Miên tôi phải học chương trình Pháp và xuống hai lớp. Con bạn Việt Nam tên Suzanne dốt toán nên dịch các bài toán đố ra tiếng Việt và sau khi tôi làm bài xong nó được chép lại. Tôi lại khổ đau vì Pháp ngữ với những văn phạm giống cái, giống đực, rồi lại chia động từ quá khứ, vị lai... Sau khi học Bandovichea hai năm, ba cho tôi trở lại trường Bà Phước Providence. Tôi thật là khổ, tiếng Tây không giỏi mà phải học thuộc lòng từng chương sách, nào là Địa lý, Sử ký, Vạn vật. Mỗi lần vào lớp đến giờ trả bài tim tôi đập loạn xạ vì "Ma sơ" chỉ đứa nào thì đứa đó phải đọc một đoạn, rồi chỉ đứa khác đọc tiếp theo. Tôi sợ đến ốm nhom phát đau nên ba xin đổi tôi vào trường Lycée Descartes.

 

Để được vào lớp 5ème Lycée Descartes, tôi phải làm khai sanh lại và cô nàng Juliette Nguyễn Thị Ngọc Thu trở thành Nguyễn Huỳnh Mai.

 

Cuộc đời tôi tưởng đâu sáng sủa khi được vào học lớp dành cho học sinh Việt, Miên, Tàu... thì lại bị đổi qua lớp đặc biệt toàn là Tây chính cống da trắng, tóc vàng, mũi cao và dĩ nhiên hầu hết các giáo sư lớp này là Tây, Đầm "thứ thiệt". May mắn cho tôi, trong lớp có vỏn vẹn một con bạn Tàu lai Miên và Việt Nam giỏi tiếng Pháp. Người bạn tên Kim Oanh mũi tẹt hơn tôi, tóc dài cũng gầy nhom. Nhờ thế tôi có được một người bạn an ủi nhắc nhở lúc "kẹt" khi không thuộc bài. Có lẽ cũng nhờ màu da khác biệt nên tôi ít bị thầy giáo gọi lên bảng, nhưng cũng không biết bao nhiêu lần tim tôi đập trật nhịp, tay chân lạnh, đổ mồ hôi vì sợ đọc bài bằng tiếng Pháp trước mặt ba mươi trò Tây lẫn Đầm chính cống.

 

Thế rồi thời cuộc đổi thay nhà Ngô bị lật đổ. Ba tôi hỏi toàn thể gia đình muốn đi Pháp hay về Việt Nam, vì ở Cao Miên cộng sản càng ngày càng nhiều. Ba tôi nói có một ngày ông Sihanouk sẽ hối hận vì đã dung dưỡng cộng sản. Lúc đó nhiều người Việt kiều đã cho con đi học ở Hà Nội hoặc đi vào khu theo Việt cộng. Ba tôi nói: "Qua Pháp thì các con sẽ đi học trường Pháp luôn và vào dân Pháp. Các con sẽ được sung sướng vì ba vẫn tiếp tục làm ngành xuất nhập cảng. Ba có sẵn công ty ở đây và khách hàng cũ quen biết làm ăn bên Pháp nên công việc dễ dàng. Còn về Việt Nam, các con sẽ có cuộc sống khó khăn hơn. Của cải mình đã mất hết nên phải làm lại từ đầu, nhưng các con được sống nơi quê hương mình". Tôi và mẹ, các em đều muốn trở về Việt Nam. Tôi biết đó cũng là ý muốn của ba, nhưng ba hỏi cho có vẻ dân chủ và ba cũng muốn đó là ý chung của cả gia đình.

 

Gần đến ngày về nước tôi ngủ không được. Ban đêm tôi cứ trằn trọc nghĩ đến lúc về đến quê hương, nhìn đâu cũng thấy người Việt Nam và nói tiếng Việt Nam. Tôi thương từ hình ảnh của chú xích lô, của chị gánh hàng rong. Tôi nhớ đến những trẻ em chạy chơi ngoài đường hay xe bán bánh mì thịt ở đầu ngõ hẻm. Những hình ảnh mà tôi nhung nhớ hình như chỉ là những hình ảnh của những người nghèo. Những phố phường mà tôi nhớ chỉ là những xóm lao động nhà cửa cũ kỹ tróc sơn. Tôi nhớ những góc đường có những cảnh các cô gái xếp từng hàng thùng thiếc, đợi hứng nước máy để gánh về. Những tiếng cãi nhau giành đứng trước, những tiếng cười dòn, tiếng chửi thề om tỏi lại là những âm thanh thân yêu quen thuộc nhất.

 

Ngày tôi mong đợi được về lại Việt Nam đã đến. Đó là ngày trọng đại nhất của đời tôi, ngang hàng với ngày tôi bế cu Thịnh ngồi trên máy bay, khi anh phi công Mỹ thông báo: "Sàigòn đã mất". Một đằng được về quê hương sau bao ngày xa cách, một đằng "lại đánh mất quê hương" thêm một lần nữa, mà lần sau này thật sự thương đau hơn, như một cái cây bị chặt hết gốc rễ và bay đi trong cơn gió lốc. Khi nghe Sàigòn đã vào tay cộng sản, tôi ôm chặt con vào lòng, trí óc như bị tê liệt. Tôi nhìn chồng, nhìn cha mẹ. Ánh mắt trao nhau như những con người thình lình bị mất hết cảm giác.

 

Từ Cao Miên, gia đình tôi trở về Sàigòn năm 1964 trên chiếc xe Peugeot 404 màu trắng (sau này cộng sản tịch thu khi chiếm Sài gòn). Chúng tôi bỏ lại cơ nghiệp, cho những người quen tất cả đồ đạc trong nhà. Căn nhà mướn thì trả lại cho chủ phố. Xe càng gần đến thành phố Sàigòn tôi càng thấy hồi hộp rạo rực trong lòng. Ba mẹ tôi có lẽ cũng đã quên đi chuyện vừa bị ông Ấn Độ giựt một số tiền lớn khi đổi tiền Miên ra tiền Việt để về nước xài. Ba bảo: "Thôi kệ, miễn là mình về được quê hương, mình ráng làm ăn gầy dựng lại mấy hồi".

 

Ngồi trên xe cô bé Việt Kiều hồi hương cứ đếm từ tỉnh, từ đồn, từ cổng, từ cây số để xem còn bao lâu nữa đến Sàigòn. Lúc xe vào ngoại ô tôi nhìn miết hai bên đường trong lòng sung sướng rộn rã làm sao.

 

Càng đến gần thành phố các xe taxi, xích lô đạp, xích lô máy xuất hiện. Tôi thấy thương những chiếc taxi hai màu xanh trắng một cách lạ kỳ. Và kể từ đó tôi trở về quê hương để sống và thở lại những ngày tháng dài cho đến khi phải xa cách Việt Nam thêm một lần nữa.

 

* *

 

Có lẽ độc giả phải lấy roi "đét vào đít" cô bé làng Hòa Hảo vì cô ấy lái đi quá xa đề tài mất rồi.

 

À mà đề tài gì nhỉ?

 

Là tìm lý do cho việc in cuốn sách này.

 

Vâng, tôi đã biết lý do. Đó chỉ là một sự chia xẻ về tình yêu quê hương và những cảm nghĩ về cuộc sống của một đời người, với những người nói cùng một ngôn ngữ, có cùng một màu da.

 

Nguyễn Huỳnh Mai

Mission Viejo, 1995

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880