Con Muốn Sống, Con Không Muốn Chết

10 Tháng Năm 200512:00 SA(Xem: 12843)
Con Muốn Sống, Con Không Muốn Chết

Đời ta không cần lo
Nhà ta không cần thiết
Làm sao cho toàn thắng
Ta mới sống êm vui
Nào anh em vào đâu
Liều thân cho đời sống
Mong thế giới đại đồng
Tiến lên quân hồng...
 
Tiếng hát trong trẻ còn hơi ngọng nghịu thoát ra từ cửa miệng của cô bé chưa đầy bốn tuổi, đến từ mảnh đất có người cơm không đủ no, áo không đủ ấm, mảnh đất mà sau hơn bốn năm "cách mạng thành công" con cái Rồng cháu Tiên vẫn còn bị lưu đày nơi các vùng kinh tế mới hay các trại cải tạo xa xôi... Cũng từ nơi mảnh đất ấy, biết bao thanh niên, tiềm năng của dân tộc đang bị lùa đi làm thiêu thân nơi các chiến trường ngoài biển.
Đó là tiếng hát của Babylac, cô bé có hai giòng máu Mỹ-Việt.
Bé Lắc hát say mê 5 bài hát liên tiếp, hai tay vung vẩy nhịp nhàng, đầu lắc qua lắc lại, đôi mắt to như hai hòn bi chớp nhanh sau mỗi câu hát. Không ai có thể làm bé ngưng khi bé đang thích hát. Bé ơi, bé có biết bé đang hát gì không?
Khi được hỏi là ngoại đâu, Bé Lắc trả lời:
- Bà ngoại ở bên Việt Nam. Bà ngoại kêu con đơi... bà ngoại ở bển khóc... Ngoại mắc cở, dì Út mắc cở... Ngoại nhát quá, ngoại không đơi...
- Con nhớ ngoại không?
- Nhớ. Cái nhà này bên Mỹ. Con qua bên Mỹ, người ta nhớ lắm. Baba nhớ Lắc lắm. Đơi xa, cái người ta hổng biết đường, cái đơi máy bay, người ta khóc, người ta đòi về đất. Máy bay chở lâu quá, người ta khóc. Tối Lắc đi máy bay ghê lắm...
- Ai lo cho Lắc đi?
- Đé đì lo cho con đơi. Mẹ lo cho ngoại đơi. Đé đì là đàn ông. Mẹ với con là đàn bà...
Nghe hỏi ở bên Việt Nam vui không, Lắc cười đưa vài khoảng răng trống, rồi nói:
- Vui lắm. Tối có ông Kẹ ngoài đường. Lắc sợ ma với ông Kẹ. Ở quê có ma, cái cậu Hải chém con ma. Cậu Hải dữ lắm. Cậu Hải của con.
- Lắc có sợ mấy ông công an bên Việt Nam không?
- Sợ. Con hổng muốn chết mà con muốn sống.
Trả lời xong, Lắc ngưng một chút, suy nghĩ rồi mở to mắt, lặp lại:
- Con muốn con sống. Con hổng muốn con chết đâu.

VỢ MỸ THỜI CÁCH MẠNG
Mẹ của Babylac, bà Châu, là một người đàn bà trẻ, vui tính và và duyên dáng. Trước bà làm thông dịch viên cho một chi nhánh của toà đại sứ Mỹ. Chồng của bà sang Việt Nam từ năm 1967 và làm việc cho hãng tàu Sealand, một công ty tư nhân. Bà quen với ông năm 1969 và qua năm 1970 thì sống chung cho đến ngày mất nước.
Thố lộ về cảm nghĩ của một người có chồng Mỹ, bà nói:
- Hồi xưa, thời Mỹ-Ngụy, khi đi ra đường với một người ngoại quốc thì mình thấy xấu hổ vì họ thường cho mình là thành phần không tốt. Hay, nói thẳng ra, là họ nhìn mình như một con đĩ. Nhưng ngày nay lại khác. Mặc dù chế độ chửi Mỹ rất dữ, nhưng hễ có chồng ngoại quốc, bất cứ là nước nào, là một điều hãnh diện, đi đâu cũng được ưu đãi, trọng dụng, và được dành nhiều ưu tiên. Người ta ao ước được như mình và nhìn mình như một người may mắn.
Bà Châu cho biết, khi chồng bà về Mỹ thì bà đang có bầu được vài tháng. Bà sanh bé Thái Vân vào ngày 28-8-75. Lúc đó bà sợ nên không dám khai sanh cho con có tên cha. Lúc còn bé, Thái Vân rất sổ sữa nên bà Châu gọi bé là Babylac. Bà Châu kể:
- Qua năm 1976, chồng tôi gởi giấy tờ và xác nhận là chúng tôi có sống chung với nhau từ 1970 cho đến ngày mất nước. Hai vợ chồng tôi phải lo giấy tờ mấy đường. Lớp qua hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, lớp qua Sở Ngoại Kiều. Khi hội Hồng Thập Tự Quốc Tế còn đặt tại 366 Hồng Thập Tự thì tôi được gọi ba lần đến nói chuyện với trưởng phái đoàn là người Thụy Sĩ. Sau đó, văn phòng đổi đi Hà Nội, họ chỉ còn đại diện ở Majestic (tức khách sạn Hoàn Mỹ). Mỗi lần muốn gặp đại diện là cả một vấn đề. Tôi nhờ mấy ông bồi trao thơ cho các ông đại diện. Tôi phải hối lộ cho các ổng mà không biết đưa bao nhiêu mới đủ. Đưa ít thì sợ không tới tay...
Bà Châu lắc đầu, vuốt tóc con rồi tiếp:
- Tôi được kêu đi không phải do đường Cao Ủy Liên Hiệp Quốc mà do Sở Ngoại Kiều. Với lại, nhờ tôi đi đăng ký đợt mấy đứa con lai rồi nộp luôn giấy tờ. Thời kỳ đó, họ chưa nhận những người có chồng Mỹ. Họ kêu lên kêu xuống điều tra xem chồng tôi có phải là quân nhân Mỹ không. Cứ hai ba tháng, họ kêu một lần, mà không cho mình biết là có được đi hay không.
Chồng tôi viết không biết bao nhiêu cái thơ năn nỉ họ. Tôi cũng viết rất nhiều thơ khiếu nại trong suốt mấy năm. Cuối cùng, đến tháng 2-79 họ mới cho mẹ con tôi đi.
Bà Châu cũng cho biết, song song với việc lo giấy tờ đoàn tụ, bà cũng có lo những con đường vượt biển và bị gạt mấy lần. Nơi thì bà hùn vàng, chỗ thì hùn tiền mua lương khô hoặc thuốc men. Lần cuối, bà và một số bạn bè đã bị một cán bộ gạt; vợ của tên cán bộ này là gái bán bar ngày xưa.

CÁCH MẠNG MÂU THUẪN
Bà Châu cho biết, đáng lẽ bà được đi ngày 15-2-79, nhưng giấy máy bay của chồng bà gửi qua từ năm 1976 đã hết hạn. Bà được gia hạn và có tên trong danh sách chuyến bay 79. Hãng Air France tại Việt Nam hứa sẽ lo giấy máy bay cho bà, nhưng giờ chót họ nói phải liên lạc với chồng bà tại Indonesia trong vòng hai tuần. Sợ kẹt lại không biết đến ngày nào, bà vội mua giấy chợ đen. Giá chợ đen lúc đó 100 đô là 1 triệu bạc tiền ngụy, trong khi giá chính thức là 200.000 tức 400 tiền mới. Bà đã bị chính quyền phạt 20% vì đã mua đô la chợ đen. Với một vẻ tức tối, bà nói:
- Chánh quyền cách mạng thật là mâu thuẫn. Lúc đầu tôi tưởng họ cho phép mình mua giấy máy bay là họ đổi tiền cho mình. Ai ngờ họ không đổi tiền cho, nên mình bắt buộc phải mua tiền do chợ đen, rồi họ lại căn cứ vào đó mà phạt mình. Họ lấy lý do: “Tại sao cấm buôn bán chợ đen mà lại đi mua chợ đen?”
Theo bà Châu thì tiền giấy máy bay của hai mẹ con bà qua Thái Lan là 181 đồng, cộng cả tiền phạt. Khi qua đến Thái Lan, chồng bà gởi tiền qua Tổng Lãnh Sự Mỹ tại đây. Họ liên lạc với bà để lo mua giấy máy bay trên một ngàn đô la để tự do qua Mỹ.
Bà Châu ở Thái Lan 8 ngày. Mỗi ngày, bà trả cho nhà ngủ 150 bat, ăn uống tính riêng. Theo bà, 5 đô la đổi được 100 bat. Bà cho biết các ông taxi tại Thái Lan rất ẩu. Họ không biết tiếng Mỹ, bà đưa địa chỉ tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ thì họ chở đi đến đến tòa Đại Sứ Mỹ. Vì vậy, một cuốc xe đáng lý 60 bat, bà phải trả gấp đôi.

CÁCH MẠNG TIẾN BỘ
- Dưới chế độ mới, tham nhũng, nạn chợ đen chợ đỏ, còn lũng đoạn hơn thời Ngụy nhiều. Cán bộ, ông nào cũng ăn. Ăn theo từng ngành. Vì vậy nên cứ cách ba hay sáu tháng, nhà băng, Sở Ngoại Kiều và các cơ quan khác đổi hết tất cả nhân viên. Họ không bao giờ dùng một người tới một năm. Mà hễ đổi tới đâu họ lại ăn tới đó, thằng nào cũng ăn. Vì nhân viên đổi hoài như vậy cho nên nhiều người muốn đi, phải lo lót hoài, như đút tiền vào cái túi không đáy. Cuối cùng, có người tự vận vì công việc lo chưa xong mà sản nghiệp đã bị tham nhũng của cách mạng ăn hết. Có một gia đình, lo hết tài sản mới được đi, nhưng đến khi lên máy bay thì bị giữ lại vì họ điều tra ra gia đình đó có một đứa con đã vượt biên và đã đánh tráo một đứa con vào đó.
Theo bà Châu, hiện nay ở miền Nam, giấy tờ gì cũng có thể làm giả hết. Như giấy xuất cảnh, chánh quyền cộng sản phải đổi luôn luôn: trước kia màu vàng, bây giờ màu xanh. Có lúc làm bằng giấy cứng, có khi đổi lại giấy mềm.
Bà Châu cho biết, cán bộ rất mê gái miền Nam. Ông nào cũng hai ba bà. Lại thích xài đồ nhập cảng và ở biệt thự. Theo bà, giá nhà hiện rất rẻ, vì những người ra đi bán đổ bán tháo. Một biệt thự sang, giá chỉ có vài triệu (tiền cũ) trong khi có tới 50 triệu cũng chưa cất được nhà ấy vì gạch, xi măng và thợ không có.
Theo bà Châu, người dân tuy xài tiền mới nhưng lúc nào cũng tính theo tiền cũ. Kỳ đổi tiền trước, có giấy 1.000. Kỳ đổi tiền sau, có đến giấy 25.000, tức 50 đồng tiền mới. Giá vàng cuối tháng 3-75, theo bà là một triệu đồng một lượng, tức 2.000 đồng tiền mới.
Những người có tiền có thể mướn người khác đi lao động thay, với giá từ ba đến bốn ngàn một ngày, tức khoảng tám đồng tiền mới. Trong khi đó, lương công chức trung bình chỉ có một đồng một ngày.
Vào những ngày bà Châu sắp đi, chính quyền ra lệnh tiết kiệm xăng nhớt. Riêng quận Nhà Bè bị tuyệt đối cấm chạy xe Honda. Bà nói:
- Bán xăng không đủ thì họ pha dầu, mà hễ ống bô ra khói nhiều thì bị phạt nên các ông taxi, xích lô máy chửi dữ lắm. Taxi chỉ đậu ở các nhà thương. Thường thì bốn, năm người hùn tiền lại đi một cuốc xe; mỗi người hùn 1.000 đồng tiền Ngụy. Mẹ con tôi, lâu lâu từ Gia Định đi xe xích lô đạp ra chợ Sàigòn một lần, bận đi bận về hết 4.000 đồng. Ở Thương Xá Tax có kem thiếu nhi, giá 250 đồng một ly. Còn ciné bên rạp Mini-Rex 300 đồng một vé. Kem Hynos hiện cũng có nhưng lỏng le, cầm không cẩn thận kem sẽ chảy ra hết. Băng vệ sinh thì rất là “mất vệ sinh” vì gòn đen thui và không hấp gì cả.
Theo bà, hiện nay ở Sàigòn, nếu có tiền thì mua cái gì cũng có. Thuốc lá và bột ngọt giá cao nhất. Một trăm mấy chục ngàn một ký bột ngọt. Một chai kem thoa tay giá 5.000 đồng. Một cục xà bông Dial giá khoảng 4.000. Thuốc trụ sinh Lincocin giá 3.000 một viên.
Bà Châu thường đi chợ Bà Chiểu gần nhà bà. Bà cho biết: cá, từ 5 đến 6 ngàn một ký, trong khi giá chính thức là 3.500; sữa bò 15.000 một hộp; đường chảy, 3.000 một ký. Trước kia, mỗi người được mua 9 ký gạo, sau còn 2 ký gạo, 3 ký bột mì, 2 ký bo bo. Khoai lang hiện 800 đồng một ký và khoai mì giá 400. Dân thường ăn mì sợi với nước tương, hay nước mắm. Mì sợi rất dơ, không mùi vị, chỉ nấu nước sôi trụng cho mềm rồi ăn. Có người nấu mì chung với gạo. Riêng bo bo, bà nói nhiều người ăn thứ này bị đau ruột phải vào nhà thương. Bà cho biết bo bo khi nấu như chất cao su sền sệt, rất khó nuốt. Nếu nấu sôi lên, đổ bỏ nước đầu rồi đổ nước khác vô, sẽ đỡ hơn.

ĐẾN NƯỚC LIỀU
Quê bà Châu ở Trung Chánh, Hóc Môn. Sau ngày cách mạng, mẹ của bà dành mấy miếng đất của bà ngoại bà để lại để cho em trai bà trồng trọt. Bà nói:
- Ở quê, mấy đứa nhỏ như con của tôi, hôm nào mà thấy mẹ nó nấu gạo là nó mừng kinh khủng, như là sắp được ăn món ngon vật lạ vậy.
Bà cho biết, nơi quê bà, chính quyền bắt làm ruộng tập thể. Chủ điền không có quyền tự ý cày cấy trên mảnh đất của mình, mà phải làm theo lệnh tổ trưởng như những người khác. Nếu làm giỏi, sẽ được điểm cao và được ưu tiên. Tuy là được ưu tiên, cũng không đủ một người ăn. Bà kể:
- Một chủ điền đã cấy xong thửa ruộng của mình, tổ trưởng đến ra lệnh dân xuống ruộng nhổ hết lên để làm lại theo lệnh của y. Ông chủ ruộng giận dữ, yêu cầu đừng ai làm, nếu làm ông sẽ giết chết. Tổ trưởng bèn nhảy xuống ruộng nhổ mạ lên. Chủ ruộng lấy lưỡi lê phóng xuống ruộng, chặt đứt đầu tên tổ trưởng này. Dân phẫn uất quá, họ đâm liều, rồi tới đâu thì tới.
Bà Châu kết luận:
- Dân quê bây giờ rất dữ. Họ là thành phần bất mãn nhứt. Họ rất đói khổ. Có đất mà họ phải đi ăn cắp gạo, ăn cắp khoai, ăn cắp luôn cả cháo heo để ăn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41860)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42805)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48934)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42524)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36570)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41522)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41220)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43143)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39565)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45155)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40132)
1,863,880