- Dẫn Nhập: Nhà Xuất Bản Cửu Long
- 1. Con Đi Ngoài Bắc Thăm Ba
- 2. Lính Việt Nam Cộng Hòa Trả Lời Truyền Hình Mỹ
- 3. Giáo Sư Phạm Kim Vinh nói chuyện với báo Chí Mỹ về chiến tranh Việt Nam
- 4. 3 Năm Tủi Nhục 28 Tháng Tù Cải Tạo
- 5. Anh Hùng Biệt Cách Dù
- 6. Anh Hùng Biệt Cách Dù II
- 7. Hãy Tự Phong Dũng Sĩ
- 8. Tưởng Niệm Ngày Mất Nước
- 9. Tiếng Quốc Ca Rền Vang Sông Núi
"Mấy chị em con khóc tức tưởi không nói với Ba được tiếng nào. Ba con sao già quá, tóc bạc mà lại sún răng nữa. Ba Má con cũng khóc nhưng rán nín để có tinh thần nói chuyện với nhau. Em út con nó cứ hỏi phải Ba thiệt không? Sao không giống Ba trong hình, vì lúc Ba đi nó mới biết lật hà..."
Khuôn mặt của Thùy Trang ướt đẩm nước mắt khi cô kể đến lúc gặp được Ba cô tại một trại học tập vùng Thanh hóa. Cô bé 15 tuổi này, năm 1979, đã cùng với mẹ và ba em nhỏ lặn lội từ Long xuyên ra miền Bắc để thăm ba cô, một thiếu tá trong một binh chủng đặc biệt QLVNCH, đã bị cộng sản bắt từ năm 1975. Tuy biết rằng sẽ gặp điều bất lợi, nhưng thiếu tá H. vẫn không dấu diếm nguồn gốc đạo Phật Giáo Hòa Hảo của mình khi đi trình diện cộng sản tại tòa án Long xuyên. Cũng chỉ vì là tín đồ PGHH nên ông bị đày nặng hơn. Cha mẹ của ông là một tín đồ kỳ cựu hiện đang sống tại một thôn thuộc tỉnh Châu đốc, vẫn ngày đêm ngóng chờ tin con, không rõ có còn sống để được về gặp cha già hay không?
Thùy Trang cho biết mặc dù Cộng sản làm khó dễ, ông nội cô vẫn thờ hình Đức Thầy và tấm Trần Dà trên bàn thờ. Khi bị bắt buộc treo hình Hồ Chí Minh, ông nội của Trang dán hình ông Hồ trên vách, không có khuôn chi cả. Trang nói:
- Mấy đứa em trong nhà lột hình cụ Hồ xuống, vẽ mắt lé, răng sún, sơn râu đen. Chừng đến ngày lễ, cán bộ lại xét, bắt phải mua hình khác. Ông nội nói nghèo quá không có tiền, tụi nó tức lắm mà không làm gì được. Con thấy nhiều nhà lột hình cụ Hồ xuống xỉ vả vô mặt mà mắng chửi thậm tệ...
BẢY NGÀY GIAN NAN
Thùy Trang cho biết gia đình cô khởi hành từ Long Xuyên. Khi đến Saigòn, mẹ con cô phải ngủ một đêm tại ga Bình Triệu để xếp hàng mua vé xe lửa. Theo cô, thì mỗi người mua vé xe lửa được phát một gói bánh đa (đã tính tiền trong vé). Bánh thật cứng phải ngâm cho mềm mới ăn được. Trang nói:
- Có tiền bao nhiêu mẹ con mua đồ ăn khô đem cho Ba, như lạp xưởng, mì gói, cá khô... Mẹ thắng mỡ, làm bánh tổ, gạo sấy... Đến Miền Trung, mẹ mua kẹo bạch nha, kẹo dừa cho Ba vì Ba con thèm ngọt lắm. Thức ăn bán dọc đường mắc quá nên tụi con ăn bánh đa. Bánh này chỉ cần ăn một cái là no tới chiều.
Khi đến Thanh Hóa, gia đình Thùy Trang phải mướn người gánh thức ăn và quần áo rồi lội bộ vào Thanh Cẩm. Tại đây gia đình cô lại phải mướn nhà trải chiếu dưới đất ngủ tạm một đêm. Theo cô, ở đây ăn cướp rất nhiều nên mẹ con cô phải thay phiên nhau thức trông chừng hành lý. Trang cho biết xung quanh nơi này rất hôi hám, vì ngang đó, vào buổi sáng, các cô gái Bắc chở phân người và phân súc vật đựng trong cần xé, về đổ ra sân, xong bầm lá cây rồi lấy tay trộn hai thứ lại. Trang lắc đầu nói:
- Từ hồi đó tới giờ con nghe nói, bây giờ mới thấy tụi nó ở dơ và quê quá, áo trên trời, quần ống túm...
Theo Thùy Trang, thì từ Thanh Cẩm, gia đình cô phải đi xe đò vào một làng mà cô không biết tên, sau đó mẹ cô phải mướn xe bò chở hành lý, rồi tất cả lội bộ mấy ngày đêm mới đến nơi Ba cô học tập. Trang kể lại:
- Tụi con phải qua chiếc bắc bằng cây có hai người chống. Chiếc bắc mục quá, kêu rắc rắc, tưởng là tụi con chết chìm, quần áo đồ ăn ướt hết. Có lúc phải qua chiếc cầu cao bắc ngang suối. Chiếc xe bò vừa đi qua thì cầu gảy, may là tụi con đứng ở đầu cầu không thì chết rồi. Mẹ con lấy dao chặt cho mỗi đứa một cây chuối. Tụi con ôm chuối lội qua bên kia bờ. Lúc đó ban đêm tụi con lạnh run nhưng cũng rán chịu...
Gia đình Thùy Trang đi hoài thì thấy một ánh đèn, tưởng đã đến nơi chỗ học tập, nhưng đến gần thì không thấy gì cả. Mẹ con đói lã và sợ quá, đều khóc òa lên vì tiếng chó sủa rất dữ, lại thêm tiếng vượn hú và tiếng của các loại côn trùng. Con bé dắt xe bò cũng không biết gì cả. Mẹ Trang lấy chuối cho chị em cô ăn. Trang nói:
- Vì đói quá, mấy chị em con mắc nghẹn trợn trắng hết, má phải móc cổ cho tụi con ói ra rồi nằm xuống đất nghỉ mệt. Trời ơi, lúc đó mà có thú dữ chắc cả nhà con chết hết quá.
CÓ TEM, KHÔNG TEM
Đôi mắt Thùy Trang rực sáng khi cô thuật lại:
Sáng hôm sau con thấy bộ đội đi đông quá. Mẹ con nói chắc tới nơi rồi. Tụi con đi nữa thì gặp một gia đình mời ghé vào nhà ăn cơm. Ai dè đó là một quán ăn thật nghèo, bàn ghế bằng tre sơ sài như trại tỵ nạn vậy. Con thấy trên vách để tên mấy món ăn như: Bí đao xào thịt vịt, Canh thịt vịt, Cơm có tem và Cơm không có tem. Cơm có tem là cơm trộn bo-bo, cơm không tem là cơm không trộn, nhưng đen xì như loại trong Nam cho heo ăn. Bộ đội chỉ ăn cơm có tem. Bánh của họ hôi lắm, canh thì chỉ có vài miếng da vịt. Họ quậy cà phê bằng đũa. Thấy má con lấy muổng cà phê ra, họ ngạc nhiên nói chưa thấy thứ này bao giờ. Họ bu lại xem tụi con, cái gì họ cũng rờ cũng xin hết, mà những người lớn tuổi nói chuyện xưng toàn mày tao nên con muốn nói chuyện lễ phép cũng không được. Họ chỉ chỗ Trại Học Tập gần đó cho mẹ con.Từ đàng xa tụi con thấy học tập đi đông quá, chưa thấy Ba mà tụi con mừng chạy riết lại gần. Họ đi từ tốp, xếp hàng ngang 4 người mười hàng, quần áo rằn ri mà rách hết. Phía trước ngực của mấy ông có số, sau lưng có tên. Trước và sau mỗi tốp học tập có hai chú bộ đội đi theo canh chừng. Tốp thì đi lên núi, tốp thì đi xuống hố đào đất. Xung quanh chỗ nhốt Ba con là núi cao, dưới hầm nhốt có nhiều chỗ. Buổi sáng con thấy mấy chú bộ đội tập dợt cho chó. Tụi con chạy lại cổng năn nỉ xin vô kiếm ba con, mấy ông cán bộ không cho. Mấy ổng dữ lắm, người ta mà mấy ổng tưởng như trâu, mấy ông học tập già rồi mà làm sai một chút mấy ổng đánh người ta chảy máu. Con thấy tủi ghê...
Mẹ Thùy Trang phải hối lộ những món quà mua từ Sàigòn thì cán bộ mới bắt đầu làm thủ tục rồi cho vào căn nhà trong ở tạm đến trưa hôm sau mới được gặp Ba cô.
Thùy Trang cho biết mấy chị em cô nóng lòng gặp Ba nên cứ chạy ra giếng xách nước hoài vì chỗ này nhìn qua nơi các người học tập đào đất rất gần. Trang nói:
- Mấy ông thật già được cắt cỏ gần chỗ tụi con ở. Con lại gần cho kẹo mấy ổng sợ quá. Có ông nói nhỏ biểu con làm rớt trong cỏ cho họ lượm, ông cám ơn mà giọng run run. Bánh tổ bị ướt mốc nên má con bỏ vào thùng rác, mấy ông móc ra che nón lá mà ăn hết. Thấy tội nghiệp quá, bao nhiêu đồ ăn má con để bận về tụi con đem cho mấy ổng hết. Có một bác ôm con hun và khóc quá. Bác nói vợ con bác vượt biên chết hết, nên bác nhớ quá, làm con cũng khóc theo. Má con nấu cơm cho bác đó ăn với cá chà bông, bác ăn thật ngon lành tưởng như ăn rồi ngã ra chết liền cũng được.
Trang cho biết cầu tiêu ở đây cất thật cao, có khoét lỗ để đặt cần xé đựng phân. Trang cho biết sợ đi cầu lắm vì nhiều khi đi chưa xong mà tụi nó đã tông cửa vô dành phân. Dành phân mà còn hơn là dành đồ ăn nữa....
BA MƯƠI PHÚT NGẮN NGỦI
Trang cho biết khi thấy ba cô bước ra mặc bộ đồ lúc đi trình diện 30-4-75, gia đình cô mừng hết sức tưởng như ba cô được về. Trang xúc động kể:
- Chừng biết chắc là Ba, em út con nhảy phóc vào lòng ba, chị em con bu chung quanh ba khóc, còn má phải ngồi đối diện. Ông cán bộ thì ngồi đàng kia nhìn lại. Con tức dễ sợ, sao hồi đó Ba con đâu có sợ ai mà bây giờ ông cán bộ kêu đứng nghiêm mà dạ còn hơn là người lớn kêu đứa con nít nữa. Lúc ông cán bộ bước ra ngoài, ba con kể chuyện hồi đó bị còng dưới hầm xà lan chở ra Bắc, nước vô tàu tưởng đã chết. Mỗi ngày ở đây ba con được phần ăn củ khoai mì, thứ bảy thì được một chén cơm trộn bo bo. Ba dặn má về rán lo cho con và em con vượt biên, con thì đi để trị bịnh suyển, còn em con cho nó đi học. Ba nói ở trong trại học tập nghe con của người ta đi được ba ham lắm.
Nói chuyện chưa xong, thì đã hết giờ, ba ôm tụi con hun hoài. Khi họ kiểm đồ ăn xong, má phải hối lộ cây thuốc mới được khiêng đồ tiếp tế ba con vào trong để được nói chuyện với ba con thêm một chút. Mấy ông học tập liệng thơ ra tụi con lượm dấu không kịp vậy đó. Tối con nằm con nhớ lúc ba con ra thăm, con khóc hết sức...
Sáng hôm sau thấy các ông học tập ra đào đất, mấy chị em Thùy Trang chạy ra giếng tìm ba. Trang khóc kể tiếp:
- Em út con 5 tuổi, nó nhỏ quá nên leo lên miệng giếng đặng nhìn thấy ba. Nó kêu Ba ơi, Ba ơi! Mỗi lần nói kêu là tụi con khóc muốn chết. Ba con bên kia cũng khóc. Nó khóc nhứt định đòi thăm ba nữa, con sợ nó té xuống giếng hết sức. Tui cán bộ thấy tụi con khóc quá, nên cho ba con thăm tụi con một chút. Ba con đeo bốn miếng thẻ bài nhỏ lên cổ tụi con, ba khắc bông sen và tên Ba Má viết tắt. Con thấy đề ngày 30-4-75, con ghét ngày này dễ sợ... Tụi con cho ba mấy miếng khô và mấy cái lạp xưởng, ba phải núp vào giếng ăn sợ bị cán bộ phạt.
Thùy Trang cho biết khi mẹ cô biểu sửa soạn về thì chị em cô ôm quần áo đòi ở lại với ba cô. Khi toán học tập làm việc xong trở về trại, mẹ cô đón đường để từ giã. Nước mắt ràn rụa. Trang nói:
- Em út con nhào lại hun ba, mặt thì nó hun mà tay nó múc túi lấy thuốc aspirine, kẹo tụi con để dành cho nó, nó bỏ hết qua túi ba. Ông cán bộ không cho ba con ẳm nó. Nó nói: Ba ơi đừng bỏ con ở nhà nữa, ba về với nhe ba. Hông thôi ba về một lượt với con đi. Nghe nó nói mấy ông học tập khóc hết. Mấy ổng nói: Thấy con mầy tao nhớ con tao quá...
Nói đến đây Thùy Trang, một cô bé đã gặp hải tặc những 10 lần khi vượt biên, lau nước mắt lắc đầu nói:
- Lúc ra đi mang nhiều đồ nặng mà hăng hái, còn chuyến trở về thì đi mình nhẹ không có gì, mà gặp ba rồi thì đi về không muốn nổi. Trên đường về món ăn gì tụi con cũng không dám bỏ. Nhớ lại lúc gặp Ba, má bỏ trái chuối thúi ba cũng lượm ăn, con thấy tội nghiệp ba quá chừng.