8. Ông Trần Hồng Văn, Chủ Tịch Hội Văn Bút Nam Hoa Kỳ, Houston, Texas

22 Tháng Năm 200712:00 SA(Xem: 5645)
8. Ông Trần Hồng Văn, Chủ Tịch Hội Văn Bút Nam Hoa Kỳ, Houston, Texas

Kính thưa quý vị,

 

Cách đây vài tuần, được anh Tạ Duy Phong gọi nhờ tôi giới thiệu một cuốn sách mới của một người bạn bên Cali, tôi không ngần ngại nhận lời ngay, vì tôi rất quý những sáng tác mới của các nhà văn hải ngoại, và việc giới thiệu sách mới ra là một vinh dự. Tuy vậy, khi nhận được cuốn sách do anh chuyển tới, tôi đâm ra ngần ngại. Có hai lý do chính làm tôi do dự:

1/ Tôi không biết chút gì về đạo Phật Giáo Hòa Hảo thì làm sao tôi dám giới thiệu đến Quý vị được. Thú thực mà nói, cho đến trước ngày lật cuốn sách này ra đọc, tôi vẫn có một ấn tượng về tôn giáo này. Hồi còn bé tí, năm 1954 lúc di cư vào Nam, tôi được người ta nói về đạo giáo này, như là họ rất ghét dân Bắc kỳ, nào là trước đó họ đã cho rất nhiều người Bắc đi mò tôm, vì không nói được chữ Tân Sơn Nhứt, vân vân... Ấn tượng này đã khiến tôi sợ hãi và xa lánh tôn giáo này.

2/ Tôi xa quê hương trước khi đất nước rơi vào cảnh dầu sôi lửa bỏng, không biết nhiều về quê hương, nhất là về làng Hòa Hảo, nơi khởi đầu của một tôn giáo mới mà giới thiệu cùng Quý vị.

Tuy vậy, tôi cũng tiếp nhận cuốn sách và tự nhủ sẽ cố gắng không phụ lòng tin cậy của anh Phong.

Cuốn sách dày hơn 470 trang đã làm tôi tốn một số thời giờ, tuy vậy, đã lôi cuốn tôi rất nhiều, đã cho tôi một số hiểu biết mới, đúng như tác giả viết cho con là “Dù cho con không thích theo đạo nào, dù là đạo của mẹ, nhưng cần hiểu rõ đạo đó, đọc và hiểu trước khi khước từ nó.” Tác giả đã cho tôi một số hiểu biết mới, đã đánh tan được một số nghi ngờ, và đã đưa tôi đến gần tác giả, một người mà tôi chưa hề quen biết. Tôi cũng cảm thấy gần chị hơn, vì tôi đồng ý một số quan điểm của chị về vấn đề gia đình, xã hội, những ý tưởng này có khi lờ mờ trong trí tôi, có khi rõ ràng. Sự can đảm của chị khi đưa ra những nhận xét này có khi làm mất lòng một số người.

Tôi cám ơn chị Nguyễn Huỳnh Mai đã cho tôi một cái nhìn mới về tôn giáo mà chị đang thờ phụng, cái nhìn của chị về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong việc giáo dục con cái – làm sao hài hòa được hai nền văn minh Đông phương và Tây phương – để giữ vững được hạnh phúc gia đình, làm sao giáo dục được con cái trong một cuộc sống “chỉ theo đòi được cái xấu của người ta, chứ ít khi theo kịp được cái hay, cái tốt đẹp trong xã hội văn minh này.”

Cuốn sách cũng thu hút tôi, không những vì lời văn giản dị, không dùng từ ngữ hoa mỹ khó hiểu, có tính cách khoa trương, vì tác giả viết dưới dạng tự thuật hay những lá thư gởi cho con cái. Sự thu hút vì sự chân tình, tấm lòng đôn hậu của tác giả. Chị đã viết về cuộc đời thực của chị mà không cần che dấu. Ví dụ như lấy chồng cho mãi tới lúc gần sinh thì mới làm hôn thú vì “ba con định xin đi du học thì mẹ sẽ xin theo. Nếu có hôn thú mẹ xin đi du học không được vì họ sợ ba mẹ sẽ ở luôn.” (trang 81).

Những tình cảm chân thật, những ý nghĩ chân tình nhất về gia đình, chồng con, cha mẹ, về đồng bào trong và ngoài nước, cũng như tại các trại tị nạn, về quốc gia dân tộc, về tôn giáo được tác giả bộc lộ suốt trong cuốn sách, từ trang đầu đến trang cuối. Là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, chị đã thấm nhuần thuyết Tứ Ân, tức là ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào nhân loại, và có lẽ lúc nào chị cũng nghĩ đến câu khuyên của Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Ta hưởng tấc đất, ngọn rau là nhờ ơn đồng bào, nhân loại cung cấp.”

Mặc dù tác giả cho thấy là được sinh trưởng trong một gia đình khá giả, triết thuyết này đã ảnh hưởng, và là kim chỉ nam trong suốt quãng đời của chị, qua lối hành xử đối với gia đình, đồng bào, xã hội.

Quan niệm về gia đình của chị rất rõ ràng, đó là việc dựa trên nền đạo đức dân tộc, vì chị cho rằng hạnh phúc cá nhân dễ tạo ra được, nhưng cũng dễ mất, còn hạnh phúc đại gia đình phải trải qua nhiều khó khăn mới đạt được, nhưng khi đạt được thì rất bền vững (trang 406). Và đây cũng là một sự khác biệt giữa hai quan niệm về đời sống của Đông phương và Tây phương, một bên là lo xây dựng đời sống cá nhân, một bên là hạnh phúc đại gia đình. Con đường chị chọn là hạnh phúc đại gia đình, vì đó chính là hạnh phúc của chính mình, và để giáo dục con cái, bậc làm cha mẹ cần những đức tính kiên nhẫn, hy sinh, và khi đạt được điều đó chính là tạo dựng bên hạnh phúc cho con cái vậy.

Thờ kính ông bà cha mẹ đã được tác giả lặp đi lặp lại nhiều lần, ta hãy đọc một đoạn mà tác giả viết về người mẹ: “Trong đời tôi, không có nỗi lo sợ nào cho bằng lo sợ mất mẹ. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi thường hay nghĩ tới mẹ và tưởng tượng lúc mẹ mất, nước mắt tôi trào ra. Tôi thường tự hỏi, nếu mẹ mất thì tôi phải làm sao đây. Mỗi khi nhìn thấy tóc mẹ càng ngày càng bạc nhiều hơn, da mẹ nhăn hơn, tim tôi đau thắt. Những giờ phút bên cạnh mẹ đối với tôi giờ đây quý giá vô cùng. Ngày nay, tôi chấp nhận hết tất cả những gì mẹ thích, những gì mẹ suy nghĩ.”

Việc nuôi dạy con cái, chị có một đường đi rõ ràng. Chị quyết định nuôi nấng và dạy dỗ con mình như nuôi một công dân Việt Nam, cho nó nên người và biết quê hương, biết nhiệm vụ phụng sự đất nước! Chị không bắt buộc con phải suy nghĩ như chị, mà chỉ gieo hạt giống vào đầu chúng để tự nó nẩy nở, phát triển. Để đạt được những điều mong muốn, đối thoại với con thật là cần thiết, vì “mẹ kể cho ba nghe về buổi thức đêm với Thịnh. Ba nói những buổi nói chuyện như vậy thật là cần thiết vì ở Mỹ, nhà trường không có dạy môn công dân giáo dục.” (trang 323).

Ngoài việc chăm sóc gia đình nuôi dạy con cái, “Cô Bé Làng Hòa Hảo” cho ta những nhận xét về xã hội, cộng đồng trước và sau năm 1975, và nhất là việc chị dấn thân trong việc xây dựng cộng đồng, giúp đỡ đồng bào đang cầu cứu trong các trại tị nạn.

Chị gọi làng Hòa Hảo là thánh địa, nơi đây người ta sống với nhau trong sự chơn chất, thương yêu với tình đồng đạo, tương kính nhau như anh em chú bác một nhà. Cảnh ngày đại lễ 18 tháng 5 ngày xưa thật là rộn rịp với những bữa cơm miễn phí khoảng 2 triệu bữa trong 3 ngày, vì có đến 300 ngàn người về dự lễ, cần 6 bữa cho mỗi người. (trang 163). Quang cảnh 3 ngày đại lễ được chị kể lại thật sống động và hào hứng. Thời thơ ấu của chị tại làng Hòa Hảo thật thanh bình và an lạc, và chị ví giống như sống vào thời Nghiêu Thuấn. Điều làm tôi thích thú là chị cho biết nơi đây cũng tiếp nhận nhiều gia đình di cư từ Bắc vào, năm 1955, và cô bé cũng chơi với nhiều đứa bé Bắc kỳ khác có giọng nói khó nghe.

Thời thế đổi thay, tôn giáo của chị cũng chịu lắm cảnh tang thương như số phận đất nước. Một số tín đồ hoạt động bị thủ tiêu, dìm chết dưới sông bởi mật vụ của ông Diệm, và tàn tệ nhất là sau ngày mất nước, người dân làng Hòa Hảo sống trong kìm kẹp, thiếu ăn thiếu mặc, nhiều tín đồ trung kiên bị giết hoặc tù đày, tổ đình vắng đìu hiu.

Xã hội Việt Nam dưới thời đệ nhị Cộng Hòa thì sao? Với lối hành văn chân thành tha thiết, không gì tả cảnh lầm than bằng tả ngay chính mình, gia đình mình. Chồng là giáo sư tại trường Võ Bị Đà Lạt, lương chỉ có 15 ngàn, cộng thêm 3 ngàn tiền gạo, trong khi chi phí gia đình mỗi tháng trên 50 ngàn (trang 74) và giá sinh hoạt mỗi ngày tăng lên vùn vụt. May mắn cho chị là gia đình hai bên nội ngoại cung cấp thêm mới sống được, còn những gia đình không được sự giúp đỡ thì ra sao? Đó là đời sống của người dân, còn hoạt động của các quan lớn thì sao? Chị diễn tả một sinh hoạt của Hội đồng Đô thành khi chị là phóng viên của báo Chính Luận như sau: “Hôm nào có biểu quyết thì đông người một chút để giơ tay, còn thường thì vắng vẻ lèo tèo. Phía trên có người thuyết trình, thì phía dưới mọi người lơ đễnh, lo nói chuyện hay đọc báo. Mẹ có cảm tưởng như nhìn vào một lớp học làm biếng vậy.” Dân chúng thì đói khổ, người nắm chính quyền thì chỉ lo tư lợi, thử hỏi đất nước làm sao đứng vững được trước những mánh khóe về chính trị, sức mạnh tuyên truyền của cộng sản?

Rồi sang đến Mỹ, cộng đồng người Việt hải ngoại thì sao? Chị đã chọn con đường dấn thân phục vụ dân tộc, nhưng trước hết “phải tranh đấu với những bộ óc đầy ảnh hưởng của quá khứ, vừa phải tránh bị giựt dây hay rơi vào bẫy của những kẻ mưu cao.” (trang 317). Chị viết báo kêu gọi việc ứng cử cộng đồng nơi chị cư ngụ, hy sinh bước ra gánh vác việc chung, chứ không phải vì cho rằng “cơ hội nay đã tới” hay “Mỹ phựt đèn xanh.” Chị không ngần ngại nêu lên một quái trạng trong cộng đồng như “Trong cộng đồng hiện nay ai cũng thích biết, thích nghe, thích nói. Việc gì làm ra vẻ bí mất họ càng khoái. Mỗi khi đi dự tiệc, họp mặt, hay nghe một buổi nói chuyện, mình đều được nghe thiên hạ thì thầm chuyện ông chủ báo này gặp nhiều nhân vật cao cấp Cộng Sản, có ông tài tử, ông bác sĩ được Cộng Sản móc nối, kẻ kia được giao chức vụ nọ...” rồi chị kết luận, “Tương lai đất nước Việt Nam có nằm trong bàn tay no ấm của Quý vị tị nạn hải ngoại không? Chắc là không.” (trang 390).

Đó là những nhận xét về một số người có đầu óc lãnh tụ của chúng ta ở đây, còn việc dân trong nước đang chịu cảnh khốn khổ và những kẻ áo gấm về làng thì sao? Chắc chắn là “Cô Bé Làng Hòa Hảo” không quên được vấn đề này. Chị đã viết như sau: “Phải chăng có nhiều người Việt tị nạn mất nước, chạy Cộng Sản, bây giờ lại mang tiền về nước tiêu pha hưởng thụ, góp công cho việc làm băng hoại xã hội. Họ đem tiền về nước, ăn trên ngồi trước, qua các bữa tiệc linh đùinh hay hưởng thụ thú vui xác thịt.”

Khoảng ¼ cuốn sách viết về hoạt động cứu giúp đồng bào trong các trại tị nạn. Phải là người có nhiều nhiệt tình lắm mới theo đuổi được công việc này. Trước những cảnh đồng bào thiếu thốn về lương thực, bị ngược đãi, những phản ứng của đồng bào như mổ bụng, tẩm xăng tự thiêu để phản đối chính sách cưỡng bách hồi hương, chị đã chua xót viết lên những dòng chữ “Bây giờ số người quan tâm đến vấn đề tị nạn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Thực phẩm bị cắt giảm tàn tệ, và đồng bào mình bữa đói bữa no. Có những người được sống sung sướng tự do thì những người ở trong trại tị nạn bị đối xử không khác gì súc vật. Lương tâm họ để đâu? Người khác ngôn ngữ thì ngoảnh mặt đi với người Việt Nam đã đánh, còn người Việt Nam với nhau thì sao? Bao nhiêu đoàn thể đâu rồi?” (trang 363).

Tuy chua sót, bất mãn, nhưng không vì thế mà buông xuôi. Mỗi biến cố xảy ra như biểu tình, có người tự tử bằng cách mổ bụng hay tự thiêu, chị ngày đêm lo lắng, viết các bản tin gởi đi 30-40 tờ báo cùng các đài truyền hình, phát thanh để xin phổ biến. Chị cũng không quản ngại việc xin 4000 chữ ký vào bản thỉnh nguyện thư, trao tận tay Đức Giáo Hoàng tại La Mã để xin Ngài can thiệp cho việc cưỡng bách hồi hương.

Rải rác trong nhiều đoạn, chị cũng đề cập đến việc bà Christina Noble, bỏ hết nhà cửa ở Anh để qua Việt Nam với một trái tim. Chị thú nhận là cảm thấy xấu hổ và cảm động khi nghe bà nói về cảm nghĩ đối với trẻ Việt Nam. Bà đem các em bé tật nguyện, bệnh hoạn, dơ bẩn về Trung Tâm của bà tại Sàigòn để tắm rửa, cho ăn, săn sóc, giáo dục, dạy đọc và viết. Cũng như bà Mary Nguyễn, giám đốc chương trình con lai. Chị cảm thấy hổ thẹn vì là đàn bà Việt Nam mà không làm được những việc của hai bà.

 

Tôi còn rất nhiều điều muốn giới thiệu cùng Quý vị, nhưng thời giờ không cho phép, tôi xin kết luận.

Gần 500 trang sách đã thu hút tôi, có thể nói đây là một trong những cuốn sách hay, hữu ích và cảm động trước sự chân tình của tác giả. Xin cám ơn chị Nguyễn Huỳnh Mai đã cho tôi những cảm nghĩ mới, những hiểu biết mới với cái nhìn của người phụ nữ Việt Nam về gia đình và xã hội trong một giai đoạn gay go nhất của người Việt tỵ nạn hải ngoại trước hai nền văn hóa dị biệt này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Ba 2005(Xem: 25976)
21 Tháng Chín 2004(Xem: 45615)
1,863,880