7. Ông Nguyễn Anh Dũng, H.T. Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Houston, Texas

22 Tháng Năm 200712:00 SA(Xem: 7983)
7. Ông Nguyễn Anh Dũng, H.T. Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Houston, Texas

Kính thưa quý vị,

 

Qua trang bìa của tác phẩm, chúng ta thấy hình ảnh của một em bé mặc áo dài màu dà đứng trước bàn thông thiên, một hình ảnh quen thuộc mà chúng ta thường thấy nếu có dịp vào các vùng có tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở. Cứ mỗi buổi chiều và sáng, nhà nhà đều cúng lạy, trước ở trong nhà, và sau đó đứng trước bàn thông thiên để cầu nguyện, một nghi thức của đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Trải qua 473 trang sách là cả một đoạn đường dài chở nặng những thăng trầm của đời người, sự lăn lộn trong cuộc sống, trong trường đời, tác giả đã đậu bằng cấp “làm người”. Ở trang 20 dòng 6: “Tôi đã học về con người, về chính tôi, trong giang sơn nhỏ bé của các tiệm hoa, có đầy đủ hỉ nộ ái ố, có sự chèn ép, ganh tỵ, mánh khóe, lọc lừa, gian lận giữa con người và con người.”

Chính cái xã hội ấy đã giúp cho cô bé Nguyễn thị Ngọc Thu 40 năm trước trở thành bà Trần Văn Tài, tức nữ ký giả Nguyễn Huỳnh Mai của ngày hôm nay. Con người là một yếu tố cấu tạo nên gia đình, đoàn thể, quốc gia. Cũng vì con người mà Đức Phật Thích Ca đã chối bỏ tất cả cung vàng điện ngọc để mưu tìm một phương cách giải thoát qua Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, và 8 muôn 4 ngàn pháp môn... Đức Chúa Jesus dùng tình thương của Thiên Chúa đem yêu thương vào con người “đem chân lý vào chốn lỗi lầm” mang con người lại với con người trong tình yêu nhân loại. Một cổ thư ngàn xưa, là Dịch Kinh, đã cho ta 9 đức để tu thân, tức là lí, khiêm, lục, hằng, tốn, ích, khốn, tỉnh và đức cương từ cường trong quẻ càn. Đối với Khổng Tử thì có tứ thư ngũ kinh mà trong đó tam cang ngũ thường là những căn bản làm cho con người trở về chân thiện mỹ. Cũng vì thế mà trong Huyết Hoa nhà Thái Dịch Lý Đông A đã nói: “Đóa hoa nhân là cả một kiến trúc lẫy lừng của lý tưởng, cái lý tưởng tập thể của nhân loại.”

Đối với Phật Giáo Hòa Hảo, người tín đồ xem việc “làm người” là một yếu tố hết sức quan trọng trên con đường tu học vì Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy cho tín đồ pháp môn “Học Phật Tu Nhân,” tức học những điều Phật dạy để làm tròn sứ mạng con người ở nơi thế gian trong buổi hạ ngươn trước khi được về nơi Phật quốc. Ngài dạy rằng: “Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần.” Muốn lập thân thì người tín đồ phải hành xử Tứ Ân – ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo Phật Pháp Tăng, ân đồng bào và nhân loại.

Trang 138 dòng cuối và 139 dòng đầu, tác giả đã viết: “Mẹ nói trong gia đình Phật Giáo Hòa Hảo còn có một tập tục phổ thông, khi đến bữa ăn, mọi người gác đôi đũa ngang chén cơm, chắp tay lâm râm cầu nguyện, xá ba xá rồi mới bắt đầu ăn. Ăn xong cũng gác đũa xá ba xá rồi mới đứng dậy. Ba mẹ giải thích cho tôi động tác này là tỏ lòng hiếu thảo đối với Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ đã quá vãng.” Tập tục này cũng bắt nguồn từ thuyết Tứ Ân, trong đó Đức Thầy dạy: “Ta hưởng tấc đất ngọn rau là nhờ ơn đồng bào nhân loại cung cấp.” Hình ảnh kính trọng tổ tiên cha mẹ đã đi vào tim óc của tác giả thế nên một sự xúc động tràn ngập trong tim chúng ta.

Hãy nghe sau đây ở trang 181 dòng đầu: “Ba kính yêu, chưa viết được chữ nào mà nước mắt con đã ràn rụa tuôn rơi. Con nhớ ba quá vì ngày này năm rồi là ngày con, mẹ, Thu, và chú Kỉnh đưa ba đi vào nhà thương. Hôm đó ba đã gầy yếu, cử chỉ bắt đầu chậm chạp, khuôn mặt của ba nghiêm nghị, buồn bã thâm trầm.” Sự nhớ thương không làm tác giả tiêu cực, mà lại là một động lực thúc đẩy tác giả phấn đấu, vươn lên, để gọi là đền đáp một phần nào ơn sanh thành dưỡng dục với chín chữ cù lao. Trang 188 dòng cuối: “Ba mẹ đã có công ơn thắp cho con một ngọn đuốc, gieo vào lòng con một chủng tử Từ Bi. Con nguyện tiếp tục con đường mà ba mẹ đã vạch ra, để mãi mãi ngọn Đuốc Từ Bi sẽ rực rỡ chói lòa.”

Là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, sự nhớ ơn tổ tiên cha mẹ không phải chỉ qua cúng lạy mà thôi, tích cực hơn là phải qua hành động thiết thực qua đời sống trong gia đình, và xã hội. Trong gia đình phải tạo một liên hệ bằng trái tim chân thật giữa chồng vợ, con cái. Qua những bức thư tác giả gởi cho Trang, con gái nuôi, một tâm tình của người mẹ thương con, hiểu con, nữ ký giả Nguyễn Huỳnh Mai đã đóng vai trò một người con, người vợ, người mẹ bằng một tấm lòng hy sinh, một nhân sinh quan của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Ở trang 303, Thơ Gởi Con: “Trang thân. Nếu một ngày nào đó con muốn hành đạo giúp đời, trước tiên con phải hiểu nghĩa hai chữ hy sinh. Hy sinh ở đây phải thực sự, nghĩa là hy sinh chỉ mình mình biết, hay nhiều lắm là người thân mà thôi. Nếu ta để cho mọi người biết, hay cố ý khoa trương, thì không phải là thật sự hy sinh, mà chỉ vì mục đích danh lợi, tiếng tăm, hay địa vị.”

 

Kính thưa quý vị,

Thân phụ tác giả là cố cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam, tác giả của quyển “Phật Giáo Hòa Hảo trong dòng lịch sử dân tộc.” Cố cư sĩ sinh tại Hà nội, vào Nam, và sớm trở thành một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng trong đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo, và ông đã kết duyên cùng cô gái miền Nam, bên dòng Hậu Giang, mà dãy Thất Sơn là một vùng linh địa. Bên ngoại tác giả ở Long Xuyên, có cù lao Ông Chưởng, tức tên của “Lễ Thành Hầu Chưởng Binh Lễ” một vị công thần triều Nguyễn có công bồi đấp giang sơn từ Long Xuyên đến Châu Đốc ngày nay. Trong dân gian ta thường ngâm nga: “Ầu ơ quạ nói với diều. Cù lao Ông Chưởng thiếu gì cá tôm.”

Ở tác giả mang trong mình dòng máu mà người cha đã đi đoạn đường dài từ Bắc chí Nam. Đối với tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, quê hương đất nước luôn luôn gắn liền với đạo pháp, vì nền đạo phát xuất từ lòng dân tộc, như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy: “Hy sinh báo quốc tận trung, Đem bầu nhiệt huyết so cùng sắt gang. Việt Nam là giống Hồng Bàng, Muôn đời xa lánh tai nàn diệt vong.” Là một nền Việt Phật nối tiếp truyền thống “đạo pháp gắn liền với truyền thống dân tộc. Từ đó, đã khai sinh một số tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương, tức tiền thân của Phật Giáo Hòa Hảo, đã anh hùng vị quốc vong thần, như: quan thượng đẳng đại thần Nguyễn Trung Trực mà ngày nay chúng ta vẫn nghe qua kỳ công đốt tàu Pháp ở Kiên Giang, qua hai câu thơ: “Hỏa hồng nhật tảo kinh thiên địa. Kiếm bạt Kiên Giang khiếp quỷ thần.”

Tất cả đã hình thành ở nữ ký giả Nguyễn Huỳnh Mai một tình yêu quê hương sâu đậm. Ta hãy nghe qua trang 189 dòng đầu: “Quê hương Việt Nam! Quê hương Việt Nam lúc nào cũng âm vang trong lòng tôi. Đó là lời mời gọi thiết tha nhất mà tôi luôn luôn mong muốn có ngày trở lại để sống, để thở, để uống từng ngụm nước ngọt ngào múc lên từ dòng sông Cửu Long.” Trang 345 dòng 12: “Mỗi người dân Việt Nam yêu quê hương đều tranh đấu tùy theo cảnh ngộ và môi trường riêng của mình.” Do đó, là một người Việt Nam yêu nước, tổ quốc cần ta trong mọi lãnh vực. Đối với nữ ký giả Nguyễn Huỳnh Mai, ngòi viết yếu mềm sẽ trở thành ngòi bút thép, dòng mực xanh sẽ trở thành dòng máu Việt Nam. Bút thép viết bằng dòng máu con Hồng cháu Lạc sẽ tô đậm thêm cuộc sống lầm than của người dân Việt Nam, nói lên tiếng nói chân chính của đồng bào tị nạn, của đồng bào quốc nội, thức tỉnh con tim của các dân tộc yêu chuộng tự do, hầu mang lại một cuộc sống bình an, tự do, và quyền làm người của hơn 70 triệu đồng bào đang khao khát, vì có niềm tin cho tiền đồ của đất nước, niềm tin đó đã xuất phát từ trái tim của người Việt Nam, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã trau dồi cuộc sống qua “tu và hành”.

Trang 281 dòng 6, tác giả đã nói: “Mẹ thật sự nghĩ rằng Việt Nam sẽ thay đổi, sẽ lớn mạnh, qua bao hy sinh xương máu, và sẽ được bù đắp để một ngày không xa lắm, tấm bản đồ hình chữ S sẽ vang danh khắp hoàn cầu.

Đức Thầy đã dạy: “Dầu những kẻ vô tình với nước. Cũng tỉnh hồn mơ ước tự do. Tiếng vang độc lập reo hò. Từ Nam chí Bắc một lò khí thiêng.”

 

Kính thưa quý vị,

Cuộc đời nữ ký giả Nguyễn Huỳnh Mai đã là người tị nạn từ khi còn tấm bé, lưu lạc qua Căm Bốt, phải chịu đựng những khó khăn về tinh thần, ngôn ngữ, sự lạc lõng nơi đất khách quê người, khi lớn lên sau 1975 lại lần thứ hai phải bỏ Việt Nam nơi chôn nhau cắt rốn để tìm tự do nơi đây. Là một chứng nhân tị nạn đã hiểu rõ thế nào là đau khổ khi phải xa lìa quê hương.

Trang 426 dòng 23, tác giả viết: “Quê hương Việt Nam chỉ là tiếng gọi, chỉ là mảnh đất. Nó không có ý nghĩa nếu không có người Việt Nam sanh sống trên đó. Người Việt Nam đi đến đâu đều mang quê hương mình theo. Các trại tị nạn phải chăng là những mảnh vỡ của quê hương Việt Nam.” Đó là những sức mạnh đã thúc đẩy ký giả Nguyễn Huỳnh Mai mang những đóng góp nhỏ bé của mình đến các trại tị nạn, vận động xin chữ ký, tham gia tích cực vào công tác thuyền nhân, hầu xoa dịu phần nào nỗi đau khổ trong đời tị nạn, mà đó là hình ảnh tác giả đã trải qua.

 

Kính thưa quý vị,

Qua tác phẩm “Cô Bé Làng Hòa Hảo”, tác giả đã phản ảnh những hiện thực xã hội ở miền quê Hậu Giang. Một vài hình ảnh qua cuộc sống của người tín đồ ở làng Hòa Hảo, nơi Thánh Địa của Phật Giáo Hòa Hảo. Một đời sống hiền hòa, thanh bình, sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Sự hy sinh của người cha, sự dịu hiền của người mẹ, sự lăn lộn từ tấm bé đến lúc trưởng thành.

Cố cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam và bà Nguyễn Hòa An đã tạo Nguyễn Huỳnh Mai một hình ảnh, một khối óc, thì Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cho Nguyễn Huỳnh Mai một con đường sáng, bằng trái tim rộng mở, bằng tình yêu quê hương, đồng bào, nhân loại, như Ngài đã dạy:

 

“Ta đã đa mang một khối tình,

Dường như thệ hải với sơn minh.

Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.”

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Ba 2005(Xem: 26019)
21 Tháng Chín 2004(Xem: 45684)
1,863,880