- Dẫn Nhập: Nhà Xuất Bản Cửu Long
- 1. Con Đi Ngoài Bắc Thăm Ba
- 2. Lính Việt Nam Cộng Hòa Trả Lời Truyền Hình Mỹ
- 3. Giáo Sư Phạm Kim Vinh nói chuyện với báo Chí Mỹ về chiến tranh Việt Nam
- 4. 3 Năm Tủi Nhục 28 Tháng Tù Cải Tạo
- 5. Anh Hùng Biệt Cách Dù
- 6. Anh Hùng Biệt Cách Dù II
- 7. Hãy Tự Phong Dũng Sĩ
- 8. Tưởng Niệm Ngày Mất Nước
- 9. Tiếng Quốc Ca Rền Vang Sông Núi
Khi tôi đến Miami thăm gia đình bác Lưu Hùng thì gặp cháu Lưu Đoàn. Cháu Đoàn đang chuẩn bị trở về Cali sau tuần lễ về thăm ông bà nội và viếng mộ bà cố chôn tại Woodlawn Park Cemetary.
Lưu Đoàn là con của Đại Úy Biệt Cách Dù Lưu Huyên. Anh Huyên đã anh dũng hy sinh khi cộng sản đột kích đơn vị của anh tại Suối Máu cuối đường bay của phi trường Biên Hòa. Anh mất ngày 3 tháng Sáu, 1974 lúc anh bị thương và được đưa về cấp cứu tại một bệnh xá của đơn vị Thủy Quân Lục Chiến.
Anh Lưu Huyên vĩnh viễn ra đi lúc 30 tuổi, được truy thăng Thiếu Tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và được trao Bảo Quốc Huân Chương và Anh Dũng Bội Tinh với Ngành Dương Liễu.
Niềm hãnh diện
Tôi ở tại Miami đã được bốn hôm. Hôm đầu tôi ngủ tại nhà mới của Kim Ánh, nhưng mấy ngày sau tôi quyết định ở nhà bác Lưu Hùng vì tôi thấy đây là dịp "nghìn năm một thuở" để được học hỏi nơi hai bác. Chỉ có mấy buổi được ngồi nói chuyện với bác mà tôi học hỏi được rất nhiều của một bậc lão thành có kinh nghiệm sống từ thời Việt Minh. Bác đã phải sống khu kháng chiến. Rồi bác di cư vào Nam, rồi lại bỏ nước ra đi qua tận Miami này.
Trong phòng khách của Bác Hùng, một cựu công chức bộ Chiêu Hồi của hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa có treo Huân Chương của anh Lưu Huyên do Quân đội Mỹ tặng và một bản tuyên dương huy chương này gọi là "The Army Commendation Medal with V Device" (V= Valor). Huy chương này anh đã nhận được do chiến công trong lần chỉ huy liên toán thám báo hỗn hợp Việt - Mỹ hành quân vào mật khu địch.
Anh Huyên mất lúc cháu Đoàn được hai tuổi rưỡi. Bây giờ Đoàn được 18 tuổi, sinh viên UCLA. Đã trên 15 năm qua, vậy mà mỗi lần tôi hỏi đến anh Huyên hai bác vẫn xúc động, nhắc nhở với niềm hãnh diện trong lời nói lẫn nét mặt. Bác cho tôi xem tập album đám tang anh Huyên. Hình ảnh làm tôi xúc động nhất vẫn là cu Đoàn mặc áo tang miệng còn ngậm núm vú cao su. Lúc thì cháu nắm áo mẹ, lúc thì đứng một mình cạnh các tràng hoa đặt trước quan tài của bố. Ai cũng bận rộn lo cho đám tang hay ôm mặt khóc thương người đã ra đi. Đoàn còn bé quá để biết sự mất mát to lớn của đời mình.
Đoàn là một học sinh ưu tú của trường Mayfair High School tại Cerritos, CA. Tôi có được xem tờ báo của trường. Đoàn được nhiều học bổng như Cal Grant Scholarship, Honorable Mentions, PTA Council Scholarship v.v... cùng với nhiều bằng ban khen của nhà trường.
Người anh cả hiền hậu
Tôi biết gia đình anh Huyên lúc còn bé nhưng bẵng một thời gian mười mấy năm tôi không gặp vì gia đình tôi phải ly hương qua Cao Miên sinh sống.
Khi trở về Saigon năm 1963 thì ba tôi lại mua nhà cạnh bác Lưu Hùng. Mỗi năm tôi gặp anh Huyên vài lần trong những lúc anh về phép. Anh Huyên rất trầm tĩnh, ít nói vậy mà các cô em gái sợ anh "ra phết". Mỗi khi anh ra lệnh là các cô "răm rắp" nghe theo.
Nhà chúng tôi ở đầu đường Vườn Chuối gần trường Văn Học của thầy Nguyên Sa. Thỉnh thoảng xóm tôi cũng có vài tên du côn quấy phá. Mỗi lần có tên nào ăn hiếp ai hay đánh lộn là mấy đứa con gái tôi "mét" anh Huyên nhưng anh ấy chỉ cười hiền lành rồi bỏ qua.
Thuở thiếu thời
Khi được hỏi về đời sống anh Huyên lúc còn nhỏ, bác Hùng gái nói:
-- Vất vả lắm cháu ạ. Sáu bảy tuổi Huyên đã đi chăn trâu vào lúc 5 giờ sáng để bác trai đi cầy. Khi trâu cày mệt thì Huyên dắt trâu đi cho ăn cỏ. Cả ngày lang thang trong rừng. Chiều Huyên đem trâu về tắm rửa rồi cho trâu vào chuồng. Vì hoàn cảnh chiến tranh ngay từ nhỏ Huyên đã phải giúp gia đình trong việc sinh sống. Chiều nào cũng mang vài con cá về nấu canh, hay mang ổi về cho các em và một bó củi nhỏ. Nếu bác muốn cua thì Huyên chạy đi thoắt một cái là đã mang về một giỏ cua đồng để nấu canh rêu.
Qua hai bác Hùng tôi được biết Lưu Huyên sinh năm 1945. Đó là thời kỳ Nhật đảo chánh Pháp và nắm quyền tại Đông Dương. Huyên sanh ra khi Đệ II Thế Chiến gần chấm dứt, và tại Việt Nam một cơ cấu hành chánh của chính quyền quốc gia được thành hình. Lúc đó Vua Bảo Đại được quân đội Nhật thỏa hiệp để thành lập chánh phủ đầu tiên do Cụ Trần Trọng Kim làm thủ tướng.
Vào thuở thiếu thời Lưu Huyên chỉ được sống trong sự sung túc của gia đình được một vài năm. Rồi từ cuối 1946 khi có chiến tranh chống Pháp đến Hiệp Định Genève năm 1954 Huyên sống trong vùng kháng chiến.
Lúc đầu, cuộc chiến chưa sôi động thì đời sống gia đình dễ thở. Ông cụ thân sinh bác Lưu Hùng từ trước đã lập cái ấp ở vùng Ninh Bình, mua vài trăm mẫu ruộng và năm bảy chục trâu, bò, trồng lúa và cam quýt. Khi kháng chiến bùng nổ gia đình bác về đây sống rất vất vả lao động canh tác. Chính gia đình ra sức làm việc và có thuê thêm người giúp.
Khi Lưu Huyên được 5 tuổi thì Trung Cộng chiếm lãnh thổ Trung Hoa. Việt Nam đang chống Pháp và Việt Minh bắt đầu phát động chiến dịch đấu tố. Gia đình bác Hùng bị quy vào giai cấp "địa chủ kháng chiến". Vì là mua đất để khai thác và là thành phần trí thức từ Hà Nội về nên không mang tính chất bóc lột như các địa chủ khác.
Trong hoàn cảnh đó gia đình họ Lưu chỉ giữ lại 6 mẫu ruộng mà gia đình có thể trực tiếp canh tác và vài con trâu. Vì thế, tuổi thơ ấu từ 5 đến 10 tuổi Huyên phải đóng góp sản xuất cho gia đình. Công việc của Huyên là đi chăn trâu, bố thì cày cấy hoặc trồng thuốc lá vàng để bán cho bộ đội.
Theo bác Hùng, nhờ trui luyện trong hoàn cảnh đó, Lưu Huyên xem việc lao động rất là thoải mái, có lẽ cũng vì thấy ba mẹ cực khổ. Nhiều lúc Huyên đang chăn trâu phải chạy đi ẩn núp khi có máy bay bắn phá. Huyên thấy rất quen thuộc nên không bao giờ sợ hãi. Có lẽ điều này đã giải thích phần nào sự chọn ngành quân sự rất phiêu lưu, khó khăn, nguy hiểm khi lớn lên.
Năm 1954 sau khi hiệp định Genève được ký kết, gia đình bác Hùng thấy không sống được nơi mà tự do con người bị chà đạp vì đấu tranh giai cấp quá tàn nhẫn vô nhân đạo. Toàn thể gia đình bác rời ấp về Hà Nội, chuẩn bị xuống Hải Phòng để di cư vào Nam.
Ông cụ thân sinh hai bác trước làm quan Phủ nên khi vào Nam cụ chủ trương dạy học. Cụ mở trường trung học tại Dầu Tiến Bình Dương. Gia đình bác Hùng về Long Xuyên rồi sau trở lên Sàigòn sinh sống.
(Còn tiếp)