28-2-97
Làm sao để nhận biết những cảm xúc của mình do một việc gì hay người nào gây nên, rồi chiêm nghiệm và có thể bỏ qua, không tạo nên phản ứng tâm lý như: đối phó, đối đãi, hay đối nghịch?
Có nghĩa là biết mà không phản ứng và có khả năng cho đi qua không nghĩ đến nữa?
Phản ứng của mình thường do thành kiến với người đó và thành kiến luôn luôn chủ quan. Những thành kiến và phản ứng vừa bộc phát thật ra không mới mẻ mà nó đã nằm sẵn trong tiềm thức. Những phản ứng có sẵn nay ta chỉ lặp lại những gì mà quá khứ đã xảy ra giữa ta và người từ nội tâm cho đến ngoại cảnh.
Ta, người, và mọi vật xung quanh đều thay đổi. Nếu ta mới thì người khác cũng mới. Cho dù người khác có cũ nhưng ta mới, trong sạch, không thành kiến, thì có ảnh hưởng và kết quả tốt cho ta lẫn cho người dù việc xảy ra cũng giống y như trước.
Khi không thành kiến, ta sẽ có sự sáng suốt, vị tha, và ta sẽ nhìn, nghe mọi sự việc với sự khách quan hơn. Đặc biệt là khi cái tôi tự ái giữa ta và người đã liên kết từ trước, càng làm cho sự việc nhanh chóng có phản ứng xấu, bất lợi cho cả đôi bên hơn.
Tất cả những suy nghĩ, phản ứng đều do nguồn gốc từ cái ta mặc cảm, tự ái, tự phụ, hoặc nhún nhường, nhẫn nhịn quá mức, hay cố ý nhường nhịn để lấy lòng. Ta càng cố nhường nhịn, lấy lòng thì thành kiến giữa đôi bên càng gia tăng. Có khi ta càng ra ơn thì người càng ghét ta hơn vì họ phải chịu ơn. Hoặc ta ra ơn, lấy lòng rồi khi ta không ra ơn lấy lòng nữa ta sẽ trở nên xấu đối với họ.
Ta phải tập bình thường với cái ta trống không.
Không vui, không buồn, không quan tâm vì sự thương ghét của người thì ta mới hành sử tự nhiên. Sự hành sử tự nhiên đó khiến cho ta tránh bị "tự kỷ ám thị." Tự kỷ ám thị tạo ra do mặc cảm về chính mình. Từ mặc cảm đó tạo cho ta quá nhiều sự suy nghĩ về ta cũng như về người và những sự suy nghĩ, tưởng tượng đó là những ảo ảnh khiến cho ta sầu khổ liên miên.
Sự đau khổ đó rốt cuộc phải chăng là do chính ta tạo nên?
Hãy chiêm nghiệm về những cảm nghĩ, cảm xúc của ta chứ đừng xua đuổi chúng, vì chúng là ta. Ta xua đuổi chúng là ta trốn chạy chính ta. Ta hãy can đảm SOI GƯƠNG. Soi càng kỹ ta càng thấy những vết bụi bám trên mặt của ta hơn và dần dần ra sẽ chùi rửa cho mặt ta sạch hơn, trong sáng hơn và mịn màng hơn.
Ta cũng đừng quên nhìn mặt ta mỗi ngày, nếu được, mỗi giờ hay mỗi phút, để ta đừng hãnh diện về sắc đẹp của ta, trong khi có nhiều lúc nó mang bụi bẩn hay dính thức ăn, bám bột, mà ta chưa kịp chùi rửa. Ta hãy nhìn ta thường xuyên hơn, vì có thể hôm nay nó sạch mà ngày mai nó lại dơ. Hôm nay nó vui, mai nó lại buồn. Hôm nay nó cười, ngày mai nó khóc. Hoặc hôm nay nó đẹp, ngày mai nó xấu chăng?
Ta đừng xấu hổ khi nhìn ngắm ta, vì chính ta mới là trọng tâm để ta theo dõi, chứ không phải chỉ lo nhìn ngắm dè bĩu, phê phán người.
Nếu nhìn kỹ ta thì ta mới thấy ta mới là người đáng tội nghiệp, đáng thương hại, vì cái ta luôn luôn thay đổi, không biết đâu là hư đâu là thực. Có khi cái thật ta lại cho là giả, mà có khi ôm cái giả ta lại cho là thật.
Hãy đứng trước cái ta và trong cái ta để hiểu biết nó cho rõ. Khi biết nó rõ, ta sẽ tự cảm thấy xấu hổ, và ta chấm dứt phê phán, giận dỗi, chê trách người. Vì khi phê phán, giận dỗi, chê trách người là ta đã phê phán, giận dỗi, chê trách CHÍNH MÌNH.
28-2-97
Ngày cuối nhập thất