11-11-2006 – 5:30 giờ sáng
Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo Nhân Hòa, tức giúp cho con người bất luận là thành phần nào trong xã hội, chánh trị, bất luận phe nhóm, đảng phái nào đều có thể sống hòa thuận với nhau.
Đó là một tôn giáo không dùng phương pháp mà dùng Tâm Pháp. Lấy chữ Tâm hay con Tim làm căn bản. Đó là chìa khóa để mở rộng tình thương, tình bác ái hay tình người giúp cho con người có thể sống hòa thuận, phát triển tình thương, chấm dứt hận thù, đưa đến hòa bình cho nhân loại đại đồng.
Một tôn giáo tuy đơn giản, nhưng không đơn giản, vì Tâm Pháp là một pháp tu khó nhất. Pháp tu nào nặng về lý trí được người trí thức, nhất là giới thượng lưu trí thức theo đuổi sẽ thiên về ngoại giao, chánh trị, quyền lực, tham vọng, sẽ đưa con người bước vào thiên đàng khôn ngoan của vô minh, trở nên những robot của thời đại.
Tu thật sự cần cởi bỏ quyền lực, nhất là quyền lực của phe nhóm. Tâm Pháp không có khẩu lệnh, mà là Tâm lệnh, tức mỗi người phải lắng nghe tiếng nói của con Tim chính mình, và làm theo Chánh Tâm của mình.
Do đó mà Phật Giáo Hòa Hảo không có phẩm trật, không có chức vụ của hàng giáo phẩm.
Tâm con người thay đổi liên hồi theo trí tính toán. Vì thế nên người có phẩm trật khó giữ cho mình đúng với vai trò mà người khác đặt để và tôn vinh mình. Mỗi một chiếc mũ, chiếc áo, chức vụ khoác lên người một tu sĩ là khiến cho đời sống tu hành của họ đi xuống nhiều hơn đi lên.
Vì sao chức vụ áo mão đã khiến cho một tu sĩ đi xuống nhiều hơn đi lên?
Vì tất cả những thứ đó đã vây hãm một con người trần tục của họ. Mà con người càng kềm hãm lại càng vẫy vùng khi không nói, làm, hành xử tự nhiên.
Tu tập là sống càng ngày càng gần càng hiểu mình. Và cần sống tự nhiên hay hồn nhiên.
Cái hạnh phúc nhất của con người phải chăng là được sống hồn nhiên. Tâm hồn thơ thới nhẹ nhàng. Không chống cũng không kềm kẹp chính mình.
Ta càng gột rửa tâm thân ý, bản chất kịch sĩ của con người càng ngày càng được rũ sạch. Vậy thì áo mão, chức vụ, phẩm tước phải chăng đã đi ngược lại tiến trình cởi bỏ xiềng xích của nội tâm trong sáng hay là thiện tánh của con người của mình.
Vì sao ta phải nhốt mình vào những gì cần cởi bỏ để được giác ngộ, tỉnh thức.
Khi các gánh nặng của gông cùm chức vụ áo mão được cởi bỏ thì Chánh Niệm rực rỡ hào quang sẽ chiếu sáng thân tâm y của ta như một ngọn đèn được bật sáng.
Ánh sáng của Chánh Niệm chỉ rực sáng chói lòa đốt cháy tạp niệm của ta trong mỗi sát na, mỗi giây mỗi phút khi ta không còn là Một Kịch Sĩ, nhất là Kịch Sĩ của Tôn Giáo.