18-7-1995 , 9:20 AM
Khi vượt sợ hãi ta có khả năng tạo sự khó khăn xáo trộn và vượt khó khăn xáo trộn một cách dễ dàng.
Xáo trộn đây là nội tâm lẫn ngoại cảnh. Khi ta còn yếu kém thì xáo trộn ngoại cảnh ảnh hưởng xáo trộn nội tâm. Khi ta vững mạnh thì xáo trộn ngoại cảnh không ảnh hưởng đến ta, mà ta dựa vào chính sự xáo trộn đó để nhìn con người, hoàn cảnh, thời điểm để theo đó và du di con đường ta đi, hành động như thế nào cho phù hợp.
Khi đã có khả năng tạo một ngoại cảnh xáo trộn mà ta không hề sợ hãi và nao núng, ta đã có thể vượt sự sợ hãi để bước qua một bước mới.
Đó là bước dẹp hẳn cái ta, vì cái ta là cái muốn. Khi cái ta tan biến, trí tuệ bát nhã mới xuất hiện, mới hiện diện. Cái ta và trí tuệ bát nhã không bao giờ có cùng một lượt. Một là cái này, hai là cái kia.
Khi có cái ta tức cái muốn thì bộ óc luôn luôn làm việc, mưu tính. Khi ta mưu tính, suy nghĩ, suy đoán, tư tưởng ta làm việc chẳng những gây xáo trộn cho chính ta mà còn gây xáo trộn cho kẻ đối diện hoặc quần chúng đối diện. Sự xáo trộn gây ra bởi các luồng điện lực, điện năng từ các khối óc, chống nhau, gây nên luồng tư tưởng phản nghịch với ta lẫn với nhau. Sự nghi ngờ, đồng ý hay bất đồng phát sinh, chẳng những sự bình an của ta mất, mà của mọi người cũng mất.
Khi sự bình an mất, tư tưởng phản nghịch phát sinh tạo ảnh hưởng ngược lại ta và khiến sự tự tin của ta giảm bớt. Khi tự tin giảm, sáng suốt mất, ta sẽ không đủ khả năng đáp ứng mọi thắc mắc vì trước khi ta nói ra sẽ sợ ta sai.
Khi ta bình an, tự tại, tự tin, lời nói của ta sẽ có sức mạnh. Dù cùng một lời nói, nhưng lời nói phát sinh từ một bộ óc bình an sẽ không bị những tư tưởng phản nghịch áp đảo. Và sự tự tin tạo áp lực khiến cho những tư tưởng phản nghịch cảm thấy yếu thế trước luồng tư tưởng mạnh do nội lực của ta.
* Làm thế nào phân biệt nguồn tư tưởng, nguồn năng lực mạnh thật hay giả do con người tạo nên?
Nguồn năng lực giả phát ra từ một kẻ có cái tôi, cái muốn tràn đầy. Sự giả tạo được phát hiện từ hành động, lời nói, tư cách như một kẻ đóng tuồng trên sân khấu. Nguồn năng lực này chỉ áp đảo được những kẻ yếu thế, dễ bị phục tùng hay những kẻ cùng phe nhóm để cùng tạo sức mạnh chung cho nhau.
Nguồn năng lực thật sự đến một cách tự nhiên không kiểu cách mà hài hòa phối hợp với con người mang tâm không cùng ngoại cảnh. Không tạo ảnh hưởng mà lại ảnh hưởng. Không màu mè kiểu cách mà lại ảnh hưởng cực mạnh vì không tạo sự phản động của các bộ óc vây quanh.
Đó là sự khác biệt giữa những kẻ có Tâm Đạo muốn thật sự giúp người và kẻ dùng Đạo để mưu đồ chánh trị, tạo ảnh hưởng để có một thế đứng nào đó. Họ đến với con người không có tâm không mà lại dùng sự khôn ngoan, để xếp đặt, xô đẩy, xoay chuyển mọi người tạo nên thế đứng cho chính mình.
Người có tâm đạo không nhìn thấy kẻ khác thua mình mà ngược lại luôn nhìn thấy cái hay của người để học hỏi, cầu tiến, cầu đạo.
Khi thấy mình tiến là mình lùi
Khi thấy mình giỏi là mình dở
Khi thấy người khác kém là mình kém
Khi muốn người khác làm theo ý mình là khiến họ xa mình.
Chỉ khi cái muốn không còn ta mới đạt TRÍ TUỆ BÁT NHÃ.