9-11-2006 – 10:30 giờ sáng
Sụ tu tập càng rốt ráo theo sự thức tỉnh toàn diện liên hồi liên tục không dứt thì không tánh sẽ trở nên một thành trì trống không kiên cố bao quanh Thân Tâm Ý ta.
Nhờ có thành trì không tánh bảo bọc che chở thì tánh người hay phàm tánh của ta không ảnh hưởng được sự trong sạch sáng suốt của ta nữa. Mọi tạp niệm do lục căn lục trần tạo tác đều thoáng qua như mây khói, không tạo nên một ý niệm, khẩu niệm, hay hành động nào cả.
Các tạp niệm được hóa giải ngay do không tánh sáng suốt – đó là Đại Hùng Đại Lực Đại Từ Bi của Không Tánh.
Sự trống không hiểu biết nhiệm mầu này không tạo nên một ý niệm nhỏ nhoi nào. Từ đó sẽ không gây nên phản ứng nội tâm hay ngoại cảnh.
Ý nghiệp, khẩu nghiệp, và thân nghiệp.Ba nghiệp này đã hoành hành điều khiển cả một cuộc đời của con người. Đi lên hay đi xuống, bị khảo đảo, hạnh phúc hay đau khổ đều do chính mình qua ba nghiệp chánh này.
Con người sống nếu biết trách nhiệm của chính mình phải tự soi xét ba nghiệp này cho tường tận.
Nếu không hiểu rõ chính mình là tác giả, là thủ phạm đã gây bao nghiệp lực cho chính bản thân mình, và người xung quanh, thì thật uổng phí cho một kiếp người.
Tất cả nghiệp lực vây quanh đều nằm trong cái Ý của chính mình. Buông được Ý là mọi nghiệp lực sẽ rớt rơi dần trên con đường tu học và tu tập của ta.
Không tánh chỉ là một sự trống không nhưng đã bao kẻ trở đi trở lại tu tập diệt dục diệt ngã nhưng vẫn không đạt được.
Vì sao???
Chỉ vì không hiểu được mình và tưởng mình thế này hay thế kia. Giây phút nguy hiểm nhất là tưởng ta Đạt Đạo, tưởng ta Không Tánh. Bởi vì con người lúc nào cũng Trần Tục khi mang xác người. Phải hiểu xác người trần tục của mình cho rõ thì mới lái được nó mà không rớt vào hố hay đi trật đường.
Khi thấy ta đạt đạo hay thấy ta trống không, là ta rớt ngay vào vô minh.
Đạt đạo hay trống không chỉ là hai danh từ để miêu tả hai trạng thái mộng ảo.
Vì sao đó là hai trạng thái mộng ảo?
Khi đã diễn đạt được trạng thái (đạt đạo hay trống không) của con người thì sự việc đó luôn thay đổi, mà hai điều đó, nếu có thì không hề thay đổi.
Ta vui một chút rồi ta buồn. Ta ghét rồi ta thương. Ta thấy mình đạt đạo rồi ta thấy mình trần tục. Ta thấy mình không tánh trống không, rồi ta thấy mình đầy tạp niệm của hỉ nộ ái ố...
Vậy khi thấy mình trống không hay đạt đạo thì chỉ nên mỉm cười với chính mình, và bao dung chính mình. Nếu không muốn nói rõ hơn là tội nghiệp cho chính mình.
Sau giây phút đó, ta lại tiếp tục tu tập đừng bỏ rơi Tâm Thân Ý mình nữa.
Đó là sự tu tập thật sự – không dối thế cũng không dối mình.