16-7-1995, 0:35 sáng
Từ đây phải tập luyện trí tuệ nhạy bén, sáng suốt để biết mọi việc xảy ra và không làm việc lầm lẫn.
Làm sao để không lầm lẫn?
Phải nhìn với con mắt đặc biệt
Phải nghe với lỗ tai đặc biệt
Phải hiểu với trí tuệ đặc biệt
Phải cảm nhận với cảm giác đặc biệt
Phải biết với cái biết đặc biệt
Phải nhận xét với tâm không.
Tâm không là tâm tĩnh lặng, không đo bằng trí thức mà phải đo bằng tri thức. Đo bằng tri thức là không so sánh, không đem cái hiểu biết của quá khứ ra che mờ các giác quan mà phải để các giác quan làm việc trong sự trống không.
Tóm lại, nếu đem tấm gương sáng trong sạch ra đo thì mọi sự vật sẽ hiện lên rõ rệt.
Từ đây không tin cũng không nghi ngờ ai. Quan trọng nhất là không có ý định khi gặp ai, tiếp xúc với ai, nói chuyện với ai, hay làm việc gì thì mọi sự vật sẽ hiện lên rõ rệt.
Cái đầu từ đây không có óc, tức không chứa đựng sự suy tư, suy luận, tính toán, ý muốn. Khi ta không có ý muốn thì ta sẽ thấy ngay người khác muốn gì. Khi óc ta có ý muốn, kẻ đối diện sẽ đoán ta muốn gì và họ sẽ đưa đẩy ta và lèo lái ta làm theo ý muốn của họ (theo chiều hướng ý muốn của ta). Kết quả là ta làm theo ý muốn của họ, mà cứ tưởng làm theo ý của mình.
Đầu óc càng trống, trí tuệ càng minh mẫn, càng hiểu kẻ đối diện.
Khi ta càng muốn, các bộ óc xung quanh ta càng đối nghịch lại ý muốn của ta vì con người luôn có sự phản kháng không muốn bị đè bẹp sai khiến, lợi dụng và sự phản kháng đó khiến cho nội lực ta giảm, ý chí ta yếu đi và ta dễ thua cuộc, dễ bị thất vọng, gục ngã.
Óc ta càng trống ta càng dễ thành công, càng có ảnh hưởng vì không có sự phản kháng của các bộ óc (vì các bộ óc không làm việc, không bị khích động và phản động) khiến cho ta không bị giảm nội lực. Lời nói và việc làm của ta mới có hiệu quả và kết quả tốt đẹp.