25-6-1992
Người quyết tâm hành đạo phải qua một tiến trình học hỏi và một hành trình thực hiện, hành đạo lâu dài.
Học hỏi về mình về người để biết mình biết người, để khi hành đạo ứng phó với người và mọi hoàn cảnh, cảnh ngộ. Không cảnh ngộ nào giống cảnh ngộ nào. Không hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào và không người nào giống người nào. Vì thế dù có học hỏi, hiểu mình hiểu người, ta cũng không tránh khỏi những cái nhìn, nhận xét chủ quan.
Chủ quan do kinh nghiệm bản thân cứ tưởng mình như người. Kinh nghiệm chủ quan về tha nhân vì người này khác với người kia.
Người trí thức, ăn học có thể hành xử, phản ứng như kẻ vô học bất lương và ngược lại, người vô học bất lương có thể hành xử như người có học trí thức.
Muốn biết rõ người nào, ta phải xem bản chất sâu kín của người đó. Bản chất đó được phủ kín bằng sự học hỏi, môi trường, cơ hội, địa vị, hoàn cảnh, cảnh ngộ, vân vân..., trong toàn thể cuộc đời của họ.
Mỗi người có một giá trị thật mà ta phải đạt được trình độ tri thức sáng trong mới nhận diện được.
Làm sao mới có trình độ tri thức sáng trong?
Thực là một điều quá khó khăn, liệu ta có đạt được chăng?
Muốn đạt được phải làm sao?
Phải tĩnh tâm? Phải ở thể không tình cảm? Phải nhìn con người không quá khứ vị lai? Phải nhìn con người không có sự liên hệ dù thân hay lạ, dù thương hay ghét?
Có nên đặt vấn đề có tầm quan trọng hay không quan trọng?
Phải chăng ta chỉ tự tại khi ta đặt mình là một nhân chứng, một khán giả và xem sự xoay chuyển của mọi vai trò, mọi thế cờ được sắp xếp hay chính ta sắp xếp tùy theo sự tiến thoái của các con cờ.
Mỗi một nước cờ trên một bàn cờ đều gây biến chuyển, biến động, cho các con cờ khác. Một nước cờ độc không có nghĩa là làm phe đối thủ thua. Một nước cờ yếu gây thất bại không làm cho kẻ đối diện chiến thắng.
Sự biến thiên của mỗi bàn cờ vô hình vạn trạng tùy theo tâm thức của các tay cờ.
Đó chỉ là bàn cờ của Hạ giới. Bàn cờ của những mưu lược, trí óc tính toán của người trần gian, của những kẻ còn tu học.
Người hành đạo đứng trong bàn cờ của thiên cơ. Họ tiến thoái theo sự xoay chuyển nhịp nhàng của ngũ hành, của sự biến thiên vô cùng của Thiêng Liêng mà họ đã hòa nhập. Nếu họ đem trí đời vào làm việc sẽ bị rớt ra ngoài quỹ đạo của sự uyển chuyển sắp xếp này.
Người hội nhập và hòa nhập với Thiêng Liêng làm việc theo Thiên Đạo. Thấy tốt đó mà xấu đó. Thấy xấu đó mà tốt đó. Cái tốt đưa vào khó khăn mà cái xấu lại đưa vào một chân trời, một cơ hội rộng mở để thực hiện một dư đồ lớn, hữu ích cho quốc gia, nhân loại.
Sự khó khăn giúp cho những cộng tác viên của người thực hiện Thiên Đạo thức tỉnh, tỉnh ngộ, hăng hái hơn, cố gắng hơn và cộng tác đắc lực hơn.
Sự khó khăn vấp ngã càng nhiều, sự hữu ích càng lớn. Sự giác ngộ luôn luôn là động cơ thúc đẩy con người tiến mạnh hơn, cương quyết hơn, sẵn sàng hơn trong vấn đề hợp tác.
Đi theo nhân đạo, con người có thể đoán trước được hậu quả.
Đi theo thiên đạo thật quả là có nhiều điều bất ngờ lý thú, khó dự đoán được.
Sự biến chuyển, dấy động của ngũ hành chẳng qua là vì nhu cầu thúc đẩy công việc tiến hành nhanh chóng hơn, để con người vì vấp ngã khó khăn, chịu khó kết hợp nhanh hơn để bắt tay vào việc. Đó chỉ vì sự ngu muội của con người do trì trệ, trù trừ do dự không đoán biết được thiên cơ, cơ trời.
Ngay cả người hành Đạo cũng có những thói quen biếng lười. Tùy theo nhu cầu tu học, hoàn cảnh phải thay đổi, công việc phải biến chuyển. Ta không nên "nhập cảnh", "mê cảnh", "ích kỷ" hưởng lợi trong việc tu học riêng của ta mà quên đi nhu cầu chung.
Học đạo có những hoàn cảnh cho ta học đạo, hành đạo có những hoàn cảnh cho ta hành đạo. Không cảnh nào giống cảnh nào và cơ thể cũng như tâm thức của ta sẽ điều chỉnh tùy theo môi trường làm việc.
Ta không nên sợ hãi vì sự thay đổi cảnh ngộ cũng như công việc, mà phải bình tâm chấp nhận nó. Phần tâm thức luôn luôn nhận được nhanh chóng, nhưng thân xác thường hay chậm trễ trì trệ, biếng lười khi có thay đổi. Đó là sự sợ hãi mà ta nên gạt bỏ toàn diện.
Sự thay đổi, biến chuyển càng ngày càng nhiều. Ta diệt sợ hãi, công việc càng có hiệu năng hơn. Vai trò gì phải làm là phải thực hiện không chạy trốn hay tránh né, vì đó là do sự tự nguyện chứ không phải do sự ép đặt.
Tri thức, ý chí mạnh mẽ; nhưng tâm thức, tình cảm và thể xác luôn luôn yếu đuối, chùng bước, tham sung sướng. Ta cũng chớ nên thất vọng về mình vì ta cũng là người và cũng nhờ ta là con người, ta mới thật sự giúp được người.
Phải bình an, tự tại để giúp cho thể xác, tâm hồn quân bình mạnh mẽ với những phương thức quy luật mà ta đã biết, đã tập tành nhiều lần để hướng dẫn nó. Sự quân bình, bình yên tự tại giúp cho ta sáng suốt, biết quyết định đúng hơn, nhạy cảm hơn để nhận được những biến chuyển đột biến của cơ trời để tiến hành sao cho nhịp nhàng. Sự đau buồn, bịnh hoạn chỉ là giai đoạn thay đổi của thể xác để theo kịp tâm thức biến chuyển quá nhanh chóng mà thôi.
Đến giai đoạn tri thức và thân xác trưởng thành hợp nhất thì ta không còn gặp khó khăn nữa. Lúc đó ta có thể vững chãi chịu đựng trước mọi khó khăn, có đủ năng lực kềm chế và hướng dẫn đám đông.
Ta sẽ nhạy cảm để biết chứ không phải nhạy cảm để bị ảnh hưởng tình cảm lôi kéo. Ta biết người không phải bị người chi phối mà biết kềm chế người.
Lúc đó ta hành xử như một người làm chủ tình hình mọi hoàn cảnh, cảnh ngộ. Ta không còn yếu đuối, dễ dàng bị quật ngã từ phương diện thể xác lẫn tâm linh.
Mọi biến động và chuyển động giữa người và vật, cảnh ngộ không làm ta xoay chuyển, biến chuyển mà ta chỉ biến chuyển và xoay chuyển theo luật thiên nhiên. Ta có thể đoán người và cảnh ngộ xung quanh nhưng người không thể biết ta và sự biến chuyển, chuyển động của ta.
Vì thế ta mới vượt được hiểm nguy của con người.
Vậy tại sao các vị trước kia đã rớt vào hiểm nguy?
Vì họ hành xử theo tình cảm và không sử dụng sự khôn ngoan của loài người. Họ chỉ dùng Thiên Đạo mà không dùng Nhân Đạo.
Người muốn thành công trong việc giúp Đời và Đạo phải học đạo để hành xử theo Thiên đạo, nhưng phải lấy Nhân đạo để làm người.
Ta không thể chỉ lấy thiên đạo đối phó với con người mà còn phải hiểu qua mọi mánh khóe của con người để nhận biết họ rồi mới ứng phó với họ được. Đó là sự phối hợp và hòa hợp giữa Học Phật Tu Nhân.
Học Phật là để hiểu lời Phật dạy và đi theo con đường Phật chỉ dẫn để tìm chân lý và đi đến chân lý. Tu Nhân là hiểu về mình và về người để hành xử như thế nào mà khi đi tìm chân lý vẫn không đi ngược lại với con người.
Phải học Đạo tức Học Phật, hành Đạo tức Tu Nhân; rồi mới đi đến đạt Đạo được.
Ta không thể đi con đường nào khác hơn. Mọi con đường khác đều là ảo tưởng, ảo giác mà thôi.