7-6-1991 - 8:55 sáng
(Chú thích Bài Nguyện PGHH)
Tại sao ta không cầu nguyện?
Chỉ cầu nguyện khi chưa có khả năng thực hiện những điều mình muốn làm.
Không cầu nguyện khi mình đạt được thị hiện những điều mình muốn làm.
Điều thứ nhất khi cầu nguyện cho thế giới được bình an thì mình phải dùng hết khả năng để phục vụ cho hòa bình nhân loại.
Điều thứ nhì và thứ ba là cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ và cha mẹ sanh tiền hay đã vãng sanh. Nếu đã tự nguyện quên mình để phục vụ Đạo Pháp và bõ công tu hành cho đến đạt đạo thì trước nhất phải cứu rỗi cho cửu huyền thất tổ và cứu bịnh cứu nạn cho cha mẹ lúc còn sanh tiền được tai qua nạn khỏi thoát mọi nguy cơ và dốc lòng tu tỉnh để cùng với mình phục vụ Đạo Pháp. Con cái, anh chị em cũng theo bước chân của mình. Cha mẹ quá vãng đều được siêu thoát.
Điều thứ tư là cầu nguyện cho bá tánh vạn dân từ tâm bác ái giải thoát mê ly. Mình phải chia sẻ lòng thương yêu bác ái cho khắp mọi người để họ chuyển tâm cùng với mình hướng đến giác ngộ và giải thoát.
Điều cuối cùng ta nguyện ơn trên tha tội cho ta để ta tu hành đạt thành Chánh Quả. Khi ta thành tâm khấn nguyện điều cuối cùng, ơn trên sẽ thử thách ta. Nếu qua quá trình tu học ta vượt được những khó khăn trong đời sống tâm linh và vật chất, ta sẽ được toại nguyện.
Khi đã đạt Đạo, ta có trí tuệ minh mẫn thì phải thực hành mọi sở nguyện hầu phục vụ theo những điều đã khấn nguyện với ơn trên.
Vì vậy, đến giai đoạn này, ta không khấn nguyện và phải thực hiện. Khi ta thực hành những điều ta khấn nguyện sẽ có sự trợ lực toàn diện của bề trên. Mọi việc ta làm dù do ta nhưng luôn luôn có sự hướng dẫn hòa hợp phụ lực của ơn trên Thầy Tổ.
Ta không còn cô đơn như ta nghĩ, mà có chư vị mười phương tám hướng hỗ trợ luôn luôn trong từng sát na. Tất cả những cử động và hành động đều luôn luôn sáng suốt. Sự thức tỉnh khi đến lúc liên tục luôn luôn thì trí đời chỉ còn hiện diện để giúp cho sự quân bình trong cuộc sống nhưng hoàn toàn không còn ảnh hưởng nữa. Mọi xáo trộn của đời sống xung quanh không còn gây một chút xao xuyến rúng động trong thân tâm. Đó là kết quả sự thực hiện việc tu tại gia theo đúng giáo lý của Phật Giáo Hòa Hảo: đạt đạo trong đời sống gia đình. Giáo lý của Đức Thầy truyền dạy là tu không cần hình thức của bên ngoài, tu ở mọi hoàn cảnh và cảnh ngộ chứ không cần phải vào núi hay rời bỏ gia đình mới tu. Và sự tu tại gia như thế thì mới giúp thế giới bình an vì con người được quân bình giữa đời sống tâm linh và vật chất.
Những người tu tại gia sẽ có khả năng xây dựng xã hội, phục vụ quốc gia và đóng góp cho hòa bình nhân loại.