14-8-2006 – 11 giờ sáng
Đạo tự phát triển hay những người mang tư tưởng đạo phát triển đạo?
Đạo tự nó ở chữ Không. Không tiến không lùi, không cao không thấp, không phát lẫn không không phát.
Người được tiếp xúc với đạo, tu học, tu tập, hành đạo mang ánh sáng, mang không tánh, mang bình an và tình thương đến cho mọi người.
Càng nhiều người thấm nhuần tư tưởng đạo thì ánh sáng được chia sẻ, tình thương được nảy nở. Ánh sáng càng lan rộng, tình thương càng lan rộng theo cấp số nhân, tùy theo mỗi con người đó có từ bi tâm mạnh để phát ra thì sẽ tạo ra một thế giới đại đồng tràn ngập hạnh phúc.
Ta cần có một tinh thần mạnh mẽ và cương quyết, không thối lui trước mọi trở lực. Cứ nhắm một hướng mà đi. Không phải sự san sẻ nào cũng được nhận, nhưng nhận hay không là do duyên nghiệp của người. Việc hành đạo, phổ biến, san sẻ yêu thương là việc của ta. Cũng như không khí, mọi người đều hít thở, nhưng không phải ai cũng hít thở bằng nhau. Sự nhận là tùy theo cơ thể của mỗi người.
Ánh sáng Chân Lý, ánh sáng đạo thật bình đẳng cho tất cả chúng sanh. Nhận được hay không là tùy con người có muốn hướng đến Chân Lý hay ánh sáng đó.
Việc rao truyền Chân Lý là việc cấp bách, ta cần phải làm. Vì thế sự gột rửa, thanh lọc, quán chiếu, suy nghiệm cho bản thân là cần thiết.
Khi rao truyền Chân Lý, ta luôn hành xử bình đẳng đối với mọi người, không kể ruột thịt, bạn bè, hay chủng tộc.
Thế giới đại đồng không còn phân biệt chủng tộc màu da hay tôn giáo. Ta cần nhớ thật rõ điều đó. Vì tôn giáo phân biệt với tôn giáo. Đạo là Đạo, là Chân Lý, là ánh sáng – Bất phân. Ta còn sự phân biệt dù là lãnh vực nào cũng sẽ đi đến sai lầm, thất bại, hay buồn khổ liên miên.
Khi biết Đạo ta phải biết bình đẳng. Chưa hiểu được hai chữ bình đẳng: ta chưa biết được Đạo.
Hai chữ bình đẳng thật là khó cho những ai biết nếm mùi đạo. Trong việc hành đạo, hành bình đẳng là hành khó nhất. Nếu không nói đó là một thử thách to lớn cho người hành đạo giải thoát. Chưa qua cửa ải “bình đẳng” thì không thể nào giải thoát ta khỏi gông cùm của cái tôi, của sự ích kỷ được.
Chỉ có khi nào hành “bình đẳng” được thì cái Tôi tham sân si hỉ nộ ái ố mới thật sự được gột rửa hoàn toàn.
Đã có biết bao bậc tu hành gục ngã trước ngưỡng cửa Bình Đẳng.
Nếu không hành được bình đẳng thì hai chữ giác ngộ mãi mãi chỉ là một ảo giác đối với người quyết tâm tu học.
Bình đẳng: một cánh cửa quá kiên cố.
Gửi ý kiến của bạn