2-8-2006 – 10 giờ sáng
Ngoài việc quán chiếu Tâm Tánh của mình, người tu học còn phải quán chiếu cặn kẽ Tâm Sinh Lý của mình.
Tất cả đều do Tâm sanh ra, nhưng Tâm này đã bị ảnh hưởng từ bên ngoài vào.
Như vậy thì nội tâm trong sáng không đủ mà nội tâm phải vững mạnh, nội lực phải đầy đủ để không bị ảnh hưởng của các lực ngoại tại đánh vào bằng thời tiết, hoàn cảnh, âm thanh.
Nội tâm trong sáng nhưng không vững mạnh sẽ thay đổi ngay tức khắc khi đổi môi trường, hoàn cảnh, hay thời tiết.
Người tu học ở môi trường có khí hậu hòa dịu sẽ thay đổi khi dời đến một môi trường có thời tiết hay hoàn cảnh khắc nghiệt. Tất cả những bản tánh còn sâu kín chưa khám phá hay khả năng chịu đựng của cơ thể lẫn tánh khí có cơ hội triển khai. Vì thế nên mới thấy nhiều người tu học tiến hóa bỗng tụt hậu khi thay đổi môi trường sống. Thật ra họ không cao lên hay thấp xuống mà vì tâm sinh lý của họ chưa có cơ hội bộc phát vì thiếu thử thách theo thời gian hay môi trường.
Tóm lại, để tránh trường hợp trên, người tu học cần quán chiếu học hỏi ở mình nhiều hơn, kỹ hơn trong mọi trường hợp. Từ âm thanh khiến ta khó chịu hay thời tiết khiến ta bực bội hay thiếu kiên nhẫn.
Mỗi trường hợp ta đều tự hỏi tại sao? Tại sao âm thanh đó khiến ta khó chịu? Nó đã ảnh hưởng gì đến ta? Và âm thanh phát từ đâu? Nếu động cơ của một người lao động đang làm đường hay cắt cỏ, ta phải quán chiếu sự cực khổ làm việc dưới cơn nắng gắt hay dưới cơn mưa dầm của họ.
Thời tiết nóng làm ta mệt mỏi, bực bội, khó chịu, ta nên quán chiếu về đời sống của những người dân ở Phi châu. Họ không đủ thức ăn và áo quần, nhà cửa đơn sơ và vì luôn sống trong cơn nắng cháy da trên cả trăm độ.
Nếu lạnh quá, thay vì than phiền thì ta quán chiếu đến người dân ở Bắc cực. Họ phải đào tuyết lên làm nhà trú ẩn và thiếu mọi phương tiện của cá nhân, từ thức ăn đến nơi ngủ.
Hãy quán chiếu nhiều hơn, khi ta nhìn thấy nghe với tình thương nhân loại, nhất là những người kém may mắn hơn ta. Ta sẽ thấy đời sống thay đổi một cách toàn diện, và ta sẽ tự động sám hối về nhiều điều ta đã nghĩ, đã làm trong quá khứ.
Nếu muốn tu học, ta sẽ không còn đặt điều kiện để tu học sao cho ta được xuôi chèo mát mái.
Tu mà muốn xuôi chèo mát mái là ta trước nhất đã tự dối chính ta, nhì là ta dối thế. Việc tu của ta như là một sự điểm trang cho cuộc sống, hay nói đúng hơn, ta tìm một lối sống thoải mái theo như ta thích.
Nếu ta tu theo sở thích thì chẳng khác nào ta chê một món ăn để chọn một món ăn khác vừa miệng ta hơn, không làm cho ta mập, ta bệnh. Đó cũng là một loại xa xí phẩm của con người.
Người tu học là người biết chấp nhận hiện tại và quán chiếu, sửa mình để tiếp nhận những gì đến với mình một cách dũng mãnh không tránh né. Đó là một việc hết sức khó khăn mà ta phải suy nghiệm quán chiếu rốt ráo và cặn kẽ mới nhận ra được.
Điều này nhỏ như hạt vi trần nếu không tự lắng nghe liên tục thì ta sẽ không khám phá ra trở ngại này được.
Nếu không khám phá ra trở ngại này ta có tu nghìn kiếp cũng chẳng tiến đâu. Nếu có đến thì ta đến mức trong sự tưởng tượng. Khi nhắm mắt, ta tưởng mình được giải thoát, tưởng đến được thiên đàng hay cực lạc. Nhưng khi mở mắt ra thì ôi thôi, thấy mình vẫn còn ngồi đây với đầy đủ tánh người, thích cảnh vật yên lặng, gió thổi mát mẻ, cơm chay thịnh soạn, tiền bạc rủng rỉnh, vân vân...
Ồ, hóa ra ta có cảm giác cực lạc vì nệm êm chăn ấm, đời sống thanh nhàn nhưng hóa ra tâm ta vẫn còn đục tợ màn sương.
Ta nên ngồi dậy để phá tan đám mây mù che mờ tâm trí của ta. Mỗi lúc thức giác là ngọn lửa chợt lóe lên phá tan màn sương che mờ căn trí ta. Ta phải đục thủng nó bằng tâm lực và nghị lực của cái ta thật sự muốn tiến tới trên con đường giác ngộ.
Hãy chấm dứt sự gạt gẫm chính mình vì còn gạt mình là còn gạt người, còn tu dối thế. Và con đường giải thoát vẫn còn là một giấc mơ không bao giờ thành sự thật.
Gửi ý kiến của bạn